Các hãng xe làm gì khi châu Âu áp thuế xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

Thứ Hai, 08/07/2024 - 18:49 - loanpd

Mức thuế nhập khẩu bổ sung cao nhất 37,6% đã được Ủy ban châu Âu áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế này khiến các nhà sản xuất ôtô đang phải đau đầu với chiến lược kinh doanh tại lục địa già.

BYD là hãng xe chịu mức thuế nhập khẩu bổ sung thấp nhất trong số những nhà sản xuất ôtô đang tiến hành nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc vào châu Âu. Mức thuế bổ sung dành cho BYD là 17,4%, bên cạnh mức thuế chung 10%. Theo Reuters, BYD vẫn chưa quyết định liệu hãng có nên tăng giá các sản phẩm bán ra tại thị trường châu Âu hay không.

Phần lớn các hãng xe điện Trung Quốc khi đến châu Âu sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung lên tới 38,1% so với mức 10% hiện có bắt đầu từ tháng 7/2024, tuy nhiên một số hãng xe lại được ưu ái áp dụng “mức thuế được tính riêng” như BYD và đặc biệt là Tesla.

Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu sẽ phải đối mặt với mức thuế cao tới 38,1% bắt đầu từ tháng 7/2024. Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng xe đều bị áp thuế ở mức cao nhất mà một số chỉ phải chịu mức thuế tương đối “nhẹ nhàng” hơn là 17%. Những mức thuế mới này đều được cộng thêm vào mức 10% cũ vốn đã được áp dụng cho toàn bộ các loại xe điện nhập khẩu vào thị trường châu Âu.

Hiện, BYD đang cung cấp cho khách hàng châu Âu dải sản phẩm ôtô thuần điện bao gồm BYD Atto 3, BYD Dolphin, BYD Seal, BYD Han, BYD Tang và BYD Seal U. Ngoài ra, hãng xe Trung Quốc còn giới thiệu đến khách hàng lục địa già một mẫu xe hybrid cắm sạc là BYD Seal U DM-i.

Tại thị trường châu Âu, tập đoàn Chery đang triển khai kinh doanh 3 thương hiệu ôtô bao gồm Omoda, Jaecoo và Exlantix. Chuyên trang Reuters cho biết tập đoàn này đang bắt tay với EV Motors của Tây Ban Nha để sản xuất xe điện ngay tại châu Âu, qua đó giảm thiểu những ảnh hưởng từ khoản thuế nhập khẩu bổ sung.

Ông Charlie Zhang - Phó chủ tịch Chery - cho biết cơ sở sản xuất của tập đoàn ôtô Trung Quốc tại Barcelona (Tây Ban Nha) dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Tuy nhiên, nhà máy này được đánh giá là không đủ lớn để đáp ứng các kế hoạch sản xuất trung và dài hạn của Chery tại châu Âu. Do đó, tập đoàn Chery này đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy thứ hai của mình tại lục địa già.

Chia sẻ với Reuters, phát ngôn viên của MG cho biết hãng xe này có đủ lượng hàng trong kho để kinh doanh cho đến tháng 11 mà không cần phải tăng giá để bù đắp chi phí do ảnh hưởng từ mức thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, Ủy ban châu Âu công bố mức thuế nhập khẩu bổ sung tạm thời đến 37,6% dành cho SAIC, tập đoàn chủ quản của hãng xe MG.

Ông Andrea Bartolomeo - Giám đốc MG tại Italy - cho biết ở thời điểm hiện tại, MG không có kế hoạch thay đổi giá bán dành cho dải sản phẩm ôtô tại thị trường Italy. Hiện, MG cung cấp dải sản phẩm ôtô khá đa dạng cho khách hàng châu Âu, bao gồm các sản phẩm như MG3, MG4, MG5, MG ZS, MG EHS, MG Marvel R và MG Cyberster.

Trong khi đó, NIO cho biết có thể sẽ điều chỉnh giá xe tại châu Âu để bù đắp chi phí sau khi mức thuế nhập khẩu bổ sung vừa được áp dụng từ tuần này. Hiện, mức thuế nhập khẩu bổ sung mà châu Âu tạm thời áp lên ôtô điện thương hiệu NIO đang là 20,8%. Tuy nhiên, hãng xe Trung Quốc này chia sẻ đang hy vọng đạt được một giải pháp với Liên minh châu Âu trước khi mức thuế nhập khẩu bổ sung chính thức được công bố và áp dụng từ tháng 11 tới đây.

Polestar - hãng xe điện hạng sang thuộc tập đoàn Geely - cho biết cần thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để bù đắp thuế nhập khẩu ôtô bổ sung mà châu Âu vừa áp dụng. Chia sẻ với Reuters, phát ngôn viên của Polestar cho biết hãng sẽ cắt giảm chi phí trên toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, nhưng không bao gồm cắt giảm việc làm. Trước đó, Polestar từng công bố khoản lỗ ròng 30,8 triệu USD trong quý đầu năm.

Dù không phải là một hãng xe Trung Quốc, Tesla đang là một trong số những nhà sản xuất ôtô tiến hành nhập khẩu sản phẩm vào châu Âu từ quốc gia tỷ dân. Nhà máy Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải cũng là một trong những cơ sở ghi nhận sản lượng xe điện cao nhất. Ở quý đầu năm, sản lượng xe điện tại Gigafactory Thượng Hải là 220.876 xe, tương đương gần 51% tổng lượng xe điện Tesla xuất xưởng trong cùng kỳ.

Trước việc châu Âu áp đặt thuế nhập khẩu bổ sung lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Tesla cho biết đang có kế hoạch tăng giá đối với dòng xe Model 3 để bù đắp chi phí. Với các hãng xe châu Âu đang sản xuất ôtô tại Trung Quốc như Tesla, mức thuế nhập khẩu bổ sung mà châu Âu áp dụng đang là 20,8%.

Bài liên quan

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Ưu, nhược điểm của một vài mẫu sedan cỡ C

Dòng xe sedan hạng C thực sự đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của một lượng đáng kể người tiêu dùng. chúng mang lại trải nghiệm lái xe tốt và thoải mái, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của một phạm vi rộng lớn người tiêu dùng.

Mitsubishi Triton Black Edition 2024 ra mắt tại Thái Lan

Các thương hiệu xe hơi khác thường dành phiên bản màu tối ở các giai đoạn sau của vòng đời xe tuy nhiên Mitsubishi đã đi ngược lại xu thế trên với Triton Black Edition mới tại thị trường Thái Lan.

Honda HR-V e:HEV 2025 ra mắt, nâng cấp tinh chỉnh thiết kế

Mẫu gầm cao cỡ B bản nâng cấp tinh chỉnh thiết kế, duy nhất hệ truyền động hybrid, bán ra tại châu Âu trong tháng 9.

Lộ diện hình ảnh Kia Sportage 2025 chạy thử trên đường phố

Mẫu SUV cỡ C của Kia được chỉnh sửa ở thiết kế ngoại thất, trong đó đáng chú ý nhất là cụm đèn chiếu sáng chính và lưới tản nhiệt.

Kia Sonet 2024 công bố giá bán, bản cao cấp nhất hơn 600 triệu đồng

Với mức giá cho bản cao cấp nhất vượt mốc 600 triệu, Kia Sonet có thể sẽ gặp khó khi cạnh tranh cùng Toyota Raize hay Hyundai Venue.

Có thể bạn quan tâm