Xe cũ đi đăng kiểm: Kiểm tra ngay 6 hạng mục này để tránh bị từ chối

Thứ Tư, 05/03/2025 - 13:09 - tienkm

Những chiếc ô tô đã qua sử dụng hơn 10 năm thường tiềm ẩn nhiều hư hỏng và trục trặc không mong muốn. Nếu không được kiểm tra, bảo dưỡng kỹ lưỡng trước khi đăng kiểm, xe có nguy cơ bị từ chối do không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và môi trường.

Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ là quy định bắt buộc đối với tất cả phương tiện cơ giới đường bộ đang lưu thông. Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nếu xe ô tô quá hạn đăng kiểm dù chỉ một ngày, chủ xe có thể bị phạt từ 3 - 4 triệu đồng, đồng thời bị trừ 2 điểm trên Giấy phép lái xe (GPLX).

Nhiều người cảm thấy bất an, lo sợ khi phải đưa những chiếc xe cũ 10-15 năm tuổi đến cửa đăng kiểm.

Đối với những chủ xe thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là người sử dụng phương tiện đã trên 10 năm tuổi, việc đưa xe đi đăng kiểm có thể trở thành một thử thách đầy lo lắng. Trên thực tế, các dòng xe cũ có tỷ lệ bị từ chối đăng kiểm cao hơn do các lỗi kỹ thuật phát sinh theo thời gian.

Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư ô tô Đào Anh Tùng Giám đốc Trung tâm sửa chữa và chăm sóc xe Tùng Anh (Hà Đông, Hà Nội) – cho biết: "Với những xe có tuổi đời trên 10 năm, nếu không được bảo dưỡng đúng cách và định kỳ, nhiều bộ phận sẽ xuống cấp, ảnh hưởng đến khả năng vận hành cũng như tiêu chuẩn đăng kiểm."

Nếu bị cơ sở đăng kiểm trả về, chủ xe sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc để khắc phục.

Theo anh Tùng, các vấn đề thường gặp ở xe cũ bao gồm:

  • Hệ thống lốp, giảm xóc, phanh: Đây là những bộ phận chịu ảnh hưởng lớn từ quá trình vận hành, dễ bị mòn hoặc xuống cấp, ảnh hưởng đến khả năng an toàn khi kiểm định.
  • Hệ thống cơ điện: Các chi tiết như bu-gi, dây cao áp, kim phun, họng hút… có thể bị mòn hoặc bám muội, khiến động cơ hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến mức phát thải không đạt tiêu chuẩn.
  • Khí thải: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến xe bị từ chối đăng kiểm. Nếu hệ thống xả không đạt chuẩn, chủ xe có thể mất nhiều thời gian và chi phí để khắc phục.

Tuy nhiên, anh Tùng cũng khẳng định rằng quy trình đăng kiểm không phải là một rào cản quá lớn nếu chủ xe chủ động bảo dưỡng phương tiện đúng cách. "Nếu xe được chăm sóc, bảo trì theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không vi phạm các quy định hiện hành như phạt nguội, độ chế quá mức…, việc vượt qua kỳ đăng kiểm sẽ không có gì đáng lo ngại."

Với kinh nghiệm nhiều năm sửa chữa và bảo dưỡng các dòng xe phổ thông, anh Tùng khuyến nghị chủ xe nên kiểm tra kỹ một số hạng mục quan trọng trước khi đưa xe đi đăng kiểm để tránh phát sinh chi phí và thời gian không cần thiết.

Hệ thống phanh

Hệ thống phanh là một trong những bộ phận có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn kiểm định cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự hao mòn trong quá trình sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành an toàn của xe.

Một số dấu hiệu cảnh báo hệ thống phanh gặp vấn đề bao gồm:

  • Tiếng kêu rít khi đạp phanh có thể do má phanh bị mòn, đĩa phanh xước hoặc bụi bẩn tích tụ.
  • Hiệu quả phanh giảm sút xe mất độ bám phanh, hành trình đạp phanh dài hơn bình thường.
  • Bàn đạp phanh nặng hoặc rung lắc khi phanh có thể do lỗi hệ thống trợ lực phanh hoặc đĩa phanh bị cong vênh.
  • Bó phanh (phanh không nhả) khiến xe bị ì, hao nhiên liệu và nhanh hỏng hệ thống phanh.

Nếu hệ thống phanh không đảm bảo tiêu chuẩn, xe có thể bị từ chối đăng kiểm, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi lưu thông. Vì vậy, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phanh định kỳ tại các gara uy tín để đảm bảo hệ thống phanh luôn hoạt động ổn định, giúp xe vận hành an toàn và thuận lợi vượt qua quy trình kiểm định.

Lốp xe

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến xe không đạt kiểm định kỹ thuật là tình trạng lốp không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Khi đưa lên thiết bị kiểm tra chuyên dụng, lốp xe có thể bị đánh trượt do độ mòn vượt mức cho phép, không đảm bảo hệ số ma sát lăn theo quy định.

Các dấu hiệu lốp cần thay thế trước khi đăng kiểm:

  • Mòn quá mức gai lốp bị bào mòn sâu, tiệm cận hoặc vượt qua vạch báo mòn trên mặt lốp.
  • Nứt, gãy hoặc phồng rộp  do lốp đã xuống cấp hoặc chịu tác động mạnh trong quá trình vận hành.
  • Hao mòn không đều  có thể xuất phát từ lỗi cân bằng động, áp suất lốp không đúng hoặc hệ thống treo gặp vấn đề.
  • Nếu lốp xe có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, chủ xe nên thay mới để đảm bảo an toàn khi lưu thông cũng như tránh rủi ro bị từ chối đăng kiểm.

Ngoài ra, việc sử dụng lốp không đúng kích thước hoặc sai thông số so với dữ liệu trong sổ đăng kiểm cũng là lỗi phổ biến. Nếu đã thay thế lốp và la-zăng không đúng tiêu chuẩn, xe bắt buộc phải đưa về cấu hình ban đầu để có thể vượt qua quy trình kiểm định. Do đó, chủ xe cần đặc biệt lưu ý thông số kỹ thuật của lốp khi thay thế nhằm đảm bảo xe đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn và pháp lý.

Lốp xe cần đảm bảo đúng thông số theo sổ đăng kiểm.

Kim phun, cảm biến khí thải

Khí thải là một trong những tiêu chí kiểm định khắt khe nhất đối với ô tô, đặc biệt là xe cũ. Việc không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải có thể khiến phương tiện bị từ chối đăng kiểm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Kim phun nhiên liệu bị tắc hoặc kém hiệu suất, làm hỗn hợp nhiên liệu – không khí không được tối ưu, dẫn đến đốt cháy không hoàn toàn.
  • Lỗi cảm biến oxy, khiến hệ thống không thể đo lường chính xác lượng oxy trong khí thải để điều chỉnh tỷ lệ hòa khí phù hợp.
  • Bộ lọc gió bẩn hoặc bị tắc, ảnh hưởng đến lượng không khí cung cấp cho quá trình đốt cháy, khiến động cơ hoạt động kém hiệu quả.
  • Hệ thống đánh lửa gặp trục trặc, chẳng hạn như bu-gi mòn hoặc dây cao áp xuống cấp, làm quá trình cháy không hoàn toàn, gia tăng lượng khí thải độc hại.

Những lỗi liên quan đến khí thải không chỉ gây ảnh hưởng đến đăng kiểm mà còn đi kèm với các dấu hiệu khác như xe bị rung giật, tiêu hao nhiên liệu bất thường, hoặc báo đèn cảnh báo “Check Engine” trên bảng đồng hồ.

Giải pháp tối ưu trước khi đưa xe đi đăng kiểm:

Đối với xe đã qua sử dụng nhiều năm, chủ xe nên thực hiện bảo dưỡng định kỳ tại các gara uy tín, tập trung vào:

  • Vệ sinh hệ thống kim phun và họng hút, giúp quá trình hòa trộn nhiên liệu diễn ra chính xác hơn.
  • Kiểm tra và thay thế bu-gi nếu cần thiết, đảm bảo đánh lửa hiệu quả.
  • Vệ sinh hoặc thay mới cảm biến oxy, lọc gió theo đúng chu kỳ khuyến nghị của nhà sản xuất.
  • Sử dụng nhiên liệu chất lượng cao, hạn chế muội than tích tụ trong động cơ, cải thiện hiệu suất đốt cháy.

Bằng cách duy trì hệ thống động cơ và khí thải trong trạng thái tối ưu, chủ xe không chỉ tăng cơ hội vượt qua đăng kiểm mà còn giúp phương tiện vận hành bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện hơn với môi trường.

Hệ thống đèn, còi

Trước khi đi đăng kiểm, chủ xe có thể tự kiểm tra hệ thống đèn pha, đèn hậu, đèn xi-nhan, đèn phanh, đèn soi biển số,... và đảm bảo chúng vẫn hoạt động bình thường. Chỉ cần 1 trong số các bóng đèn "tậm tịt" hoặc bóng đèn lắp sai chủng loại theo hồ sơ, phía cơ sở đăng kiểm cũng sẽ đánh trượt. Ngoài ra, còi xe phải đủ âm lượng và đang hoạt động tốt.

Các loại phụ kiện như giá nóc, đèn trợ sáng cần được tháo bỏ trước khi đưa đi đăng kiểm.

Chú ý các loại decal, phụ kiện

Nhiều chủ xe có sở thích dán decal toàn bộ hoặc phần lớn diện tích xe để tạo điểm nhấn cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc thay đổi diện mạo xe bằng decal quá mức có thể bị coi là hành vi thay đổi màu sơn trái phép, dẫn đến từ chối đăng kiểm. Nếu muốn dán decal với diện tích lớn, chủ xe cần đăng ký thay đổi màu sơn với cơ quan chức năng để tránh vi phạm.

Bên cạnh decal, một số phụ kiện lắp thêm như giá nóc, cản trước/sau, cánh lướt gió, mặt ca-lăng độ, đèn LED gắn thêm cũng có thể khiến xe bị từ chối đăng kiểm nếu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Những phụ kiện này không chỉ ảnh hưởng đến kết cấu xe mà còn có thể gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Những rủi ro khi lắp phụ kiện trái quy định:

  • Không được cấp chứng nhận đăng kiểm, gây tốn kém thời gian và chi phí để tháo dỡ, khắc phục.
  • Có thể bị xử phạt bởi lực lượng CSGT, mức phạt nặng tùy theo mức độ vi phạm.
  • Ảnh hưởng đến an toàn vận hành, đặc biệt với các chi tiết như cản trước/sau, cánh lướt gió làm thay đổi tính khí động học của xe, hoặc đèn LED gây chói mắt phương tiện khác.

Giải pháp đảm bảo đăng kiểm suôn sẻ:

  • Kiểm tra và tháo gỡ các phụ kiện lắp thêm không đúng quy định trước khi đăng kiểm.
  • Nếu muốn thay đổi màu xe bằng decal, cần làm thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng để hợp thức hóa.
  • Lắp đặt phụ kiện chính hãng, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh ảnh hưởng đến an toàn và pháp lý.

Việc tuân thủ đúng quy định không chỉ giúp xe dễ dàng vượt qua đăng kiểm mà còn đảm bảo an toàn cho chính chủ xe và những người tham gia giao thông khác.

Bài liên quan

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Pin nhiên liệu màng điện phân polymer (PEMFC)

Pin nhiên liệu màng trao đổi proton (Proton-exchange Membrane Fuel Cells - PEMFC), còn được gọi là pin nhiên liệu màng điện phân polymer (Polymer Electrolyte Membrane - PEM), là một loại pin nhiên liệu đang được phát triển chủ yếu cho các ứng dụng vận chuyển, cũng như cho các ứng dụng pin nhiên

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống điều hòa ô tô

Hệ thống điều hoà ô tô có nhiệm vụ điều hòa, làm mát và giảm độ ẩm trong khoan động cơ, giúp kéo dài thời gian sử dụng cho các động cơ khi hoạt động

Điểm mù của xe ô tô là gì và cách khắc phục

Điểm mù xe ô tô là một trong những yếu tố khó kiểm soát và dễ dẫn đến tai nạn giao thông nhất. Vậy điểm mù xe ô tô là gì? Làm cách nào để hạn chế được điểm mù xe ô tô?

Lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống phanh ô tô

Hệ thống phanh và trợ lực phanh hiện đại rất ấn tượng. Các nhà sản xuất của chúng cạnh tranh với nhau để cung cấp các giải pháp phanh hiệu quả và thoải mái nhất. Tuy nhiên, con đường để đạt được các giải pháp kỹ thuật hiện tại còn rất dài.

Các đời xe Isuzu MU-X: các thế hệ trên thế giới và Việt Nam

Isuzu đã đem toàn bộ những ưu điểm từ 2 loại xe tải và xe thương mại tích hợp vào mẫu SUV 7 chỗ mang tên MU-X. Thị trường ô tô đã chào đón thêm một sản phẩm xe du lịch đa năng, thoả mãn được nhiều đối tượng và mục đích sử dụng khác nhau.

Có thể bạn quan tâm