Chiêu bài mới của xe Trung Quốc khiến thị trường ôtô Việt phải dè chừng

Thứ Tư, 11/06/2025 - 14:53 - tienkm

Rất ít hãng xe trên thị trường áp dụng chính sách hậu mãi táo bạo như Omoda và BYD. Trong khi Omoda gây ấn tượng với thời gian bảo hành lên tới 7 năm hoặc 1 triệu km con số gần như chưa từng có tiền lệ, thì BYD lại chọn cách tiếp cận người dùng đầy khác biệt khi mạnh dạn cho khách hàng mượn xe lái thử trong suốt 30 ngày liên tục trước khi đưa ra quyết định mua.

Trong vòng hai năm trở lại đây, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến làn sóng mạnh mẽ từ các thương hiệu xe Trung Quốc. Không chỉ gia tăng đáng kể về số lượng mẫu mã, mang đến thêm lựa chọn cho người tiêu dùng ở đa dạng phân khúc – từ xe đô thị cỡ nhỏ đến SUV hạng trung – các hãng xe đến từ Trung Quốc còn áp dụng chiến lược kinh doanh linh hoạt, bao gồm chính sách giá cạnh tranh, thời gian bảo hành dài hạn và các chương trình marketing khác biệt. Sự kết hợp giữa sản phẩm đa dạng và chiến lược tiếp cận thị trường sáng tạo đang giúp xe Trung Quốc từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng tại Việt Nam.

Những chiêu hút khách mới

làn sóng xe Trung Quốc tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt rõ rệt – không chỉ về sản phẩm mà còn ở chính sách hậu mãi và cách tiếp cận thị trường.

Giữa năm 2024, khi những mẫu xe thương mại đầu tiên của OmodaJaecoo vẫn chưa chính thức mở bán, nhà phân phối Geleximco đã gây chú ý mạnh mẽ với chính sách bảo hành đầy tham vọng: 7 năm hoặc 1 triệu km – tùy điều kiện nào đến trước. Đặc biệt, riêng động cơ được bảo hành lên tới 10 năm hoặc 1 triệu km, thiết lập một chuẩn mực hoàn toàn mới về hậu mãi trong ngành xe phổ thông tại Việt Nam.

Một mẫu Omoda C5 lăn bánh tại trường đua Đại Nam, Bình Dương hồi tháng 7/2024.

So với mặt bằng chung của thị trường nơi hầu hết các hãng xe phổ thông chỉ bảo hành từ 3 đến 6 năm hoặc giới hạn ở mức 100.000 - 150.000 km – thì mức cam kết từ Omoda và Jaecoo là bước nhảy vọt. Trước đó, VinFast là thương hiệu duy nhất áp dụng chế độ bảo hành dài tương tự, với thời hạn từ 7 đến 10 năm hoặc 160.000 - 200.000 km. Tuy nhiên, nếu xét riêng về giới hạn quãng đường, thì mức 1 triệu km của Omoda và Jaecoo hiện là mức cao nhất từng được áp dụng tại thị trường ô tô Việt Nam.

Không dừng lại ở chính sách bảo hành, các hãng xe Trung Quốc còn liên tục tạo ra những cách tiếp cận thị trường mới mẻ. Cuối tháng 4, BYD Việt Nam triển khai chương trình cho khách hàng trải nghiệm xe điện miễn phí trong 30 ngày – một hình thức thử xe chưa từng có trong phân khúc phổ thông. Sau thời gian trải nghiệm, nếu khách quyết định mua, họ sẽ được ưu đãi trực tiếp 10% giá trị xe. Cụ thể, mẫu Dolphin (giá niêm yết 659 triệu đồng) sẽ giảm gần 60 triệu, trong khi mẫu Seal – có khả năng tăng tốc ấn tượng như xe thể thao – được giảm tới 135 triệu đồng, tùy phiên bản.

Một tên tuổi khác là MG thuộc tập đoàn SAIC – tuy không đi theo hướng chiến dịch marketing táo bạo, nhưng lại chọn chiến lược định giá linh hoạt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt. MG5 New một mẫu sedan hạng C có mức giá chỉ từ 399 đến 499 triệu đồng, thấp hơn cả một số mẫu sedan hạng B như Toyota Vios hay Honda City. Tương tự, MG ZS  dòng CUV cỡ B được niêm yết ở mức 518–588 triệu đồng, tương đương hoặc thấp hơn các mẫu A+ như Kia Sonet hay Hyundai Venue. Việc định vị sản phẩm cao cấp hơn trong khi giá bán thấp hơn giúp MG thu hút nhóm khách hàng chú trọng giá trị và trang bị.

Chỉ sau chưa đầy hai năm gia nhập thị trường Việt Nam, nhiều thương hiệu xe Trung Quốc như Omoda, Jaecoo hay Geely đã nhanh chóng công bố kế hoạch đầu tư dài hạn. Đáng chú ý, Omoda và Jaecoo đã xác nhận sẽ khởi công xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào quý II/2025 thông qua hình thức liên doanh với đối tác nội địa.

Riêng với Geely, kế hoạch xây dựng nhà máy liên doanh cùng Tasco hiện vẫn để ngỏ. Điều này một phần xuất phát từ phát biểu của ông Lý Thư Phúc – Chủ tịch Tập đoàn Geely  hồi đầu tháng 6, khi ông cho biết Geely sẽ không mở rộng hoặc xây mới bất kỳ nhà máy nào trên toàn cầu trong giai đoạn hiện tại.

Tổng thể, những động thái táo bạo về chiến lược bán hàng, bảo hành và đầu tư của các hãng xe Trung Quốc đang cho thấy một cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt và bài bản hơn tại thị trường Việt Nam nơi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, dịch vụ và giá trị thực.

Thận trọng của người đi sau

Hơn một thập kỷ trước, thị trường ô tô Việt Nam từng chứng kiến làn sóng đầu tiên của các thương hiệu xe Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện này nhanh chóng mờ nhạt. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chiến lược kinh doanh thiếu nhất quán, sản phẩm còn lạc hậu về mặt công nghệ, trong khi người tiêu dùng trong nước vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào các dòng xe Nhật – vốn đã xây dựng được vị thế vững chắc về độ bền và uy tín sau bán hàng. Những nỗ lực ban đầu của xe Trung Quốc khi đó giống như cơn sóng bạc đầu – nhanh đến, rồi cũng nhanh chóng tan biến.

Tuy nhiên, lần trở lại gần đây của các thương hiệu Trung Quốc lại mang một diện mạo hoàn toàn khác. Những hãng xe đến từ quốc gia láng giềng này giờ đây không chỉ sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại hơn mà còn nắm trong tay lợi thế về quy mô sản xuất, chi phí tối ưu và khả năng tùy biến sản phẩm theo thị hiếu từng thị trường. Nhờ đó, họ có thể đưa ra mức giá bán rất cạnh tranh mà vẫn đảm bảo được danh mục trang bị phong phú – một yếu tố hấp dẫn với nhóm khách hàng đang chuyển mình từ xe máy lên ô tô.

Ông Võ Minh Lực, giám đốc điều hành BYD Việt Nam bên chiếc Seal thuần điện tại sự kiện ra mắt thương hiệu hồi tháng 7/2024 ở TP HCM.

Dẫu vậy, theo ghi nhận từ các chuyên gia bán hàng tại TP.HCM, thách thức lớn nhất của xe Trung Quốc hiện nay vẫn là niềm tin của người tiêu dùng. "Về tổng thể, chất lượng và sự an tâm khi sử dụng xe Trung Quốc vẫn chưa thể sánh bằng xe Nhật, Hàn hay Mỹ trong mắt phần đông khách hàng Việt. Họ cần thêm thời gian để dần thay đổi định kiến," một chuyên gia kinh doanh trong ngành nhận định.

Để giải quyết bài toán niềm tin, các hãng xe Trung Quốc đã rút ra bài học từ những thất bại trước đó và điều chỉnh toàn diện chiến lược tiếp cận thị trường. Không còn những chiến dịch thiếu chiều sâu, thay vào đó là sự đầu tư rõ rệt vào dịch vụ hậu mãi – một trong những điểm yếu lớn nhất trước kia. Chính sách bảo hành lên đến 7-10 năm hoặc 1 triệu km (tùy hãng), đi kèm với việc mở rộng hệ thống showroom và trung tâm dịch vụ tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam, đang dần giúp khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi lựa chọn.

Khác với trước kia, khi các thương hiệu Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào đại lý phân phối nhỏ lẻ với cam kết mơ hồ, thì nay các hãng như BYD (tự phân phối), Omoda và Jaecoo (qua Geleximco), hay Geely (qua Tasco) đã bước vào cuộc chơi với chiến lược rõ ràng và bài bản hơn. Việc áp dụng các chính sách bán hàng cạnh tranh, các chương trình trải nghiệm thực tế – như chiến dịch dùng thử 30 ngày của BYD – không chỉ thể hiện sự tự tin vào sản phẩm, mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Thêm vào đó, kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam của các thương hiệu như Omoda, Jaecoo hay Geely đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết phát triển lâu dài tại thị trường này. Đối với người tiêu dùng, việc một hãng xe cam kết đầu tư sản xuất tại chỗ không chỉ mang đến kỳ vọng về giá xe hợp lý hơn trong tương lai, mà còn là bằng chứng về sự nghiêm túc và tầm nhìn chiến lược. Dĩ nhiên, để một nhà máy được xây dựng, cần có sự phê duyệt và hỗ trợ từ tập đoàn mẹ, đồng thời phản ánh đánh giá tích cực về tiềm năng tăng trưởng của thị trường sở tại.

Giới chuyên gia đánh giá rằng lần trở lại này của xe Trung Quốc không còn là “sự thử sức” mà đã mang tính chiến lược dài hạn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư bài bản và tham vọng rõ ràng. Khi sở hữu số lượng thương hiệu lớn nhất hiện nay tại thị trường Việt, các hãng xe Trung Quốc đang đứng trước cơ hội thực sự để tái định hình hành vi tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh người mua ngày càng cân nhắc nhiều hơn giữa giá trị, công nghệ và chi phí sở hữu dài hạn.

Bài liên quan

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Tương lai ô tô thông minh: Khi AI không chỉ còn là xu hướng

Google đang chuẩn bị triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên diện rộng cho các dòng ô tô thông qua hai phương thức phổ biến: tích hợp trực tiếp vào hệ điều hành cài sẵn trên xe (Android Automotive) hoặc kết nối với điện thoại thông minh sử dụng Android Auto. Điều này mở ra một bước tiến lớn trong việc đưa AI trở thành một phần không thể thiếu trong khoang lái hiện đại, góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng và cá nhân hóa tương tác giữa người lái và phương tiện.

Mazda CX-5 giảm giá tất cả phiên bản, chỉ từ 749 triệu đồng

Với mức giảm giá niêm yết từ 10- 20 triệu đồng trong tháng 4, giá xe Mazda CX-5 chỉ còn từ 749 - 979 triệu đồng, là một trong những mẫu SUV cỡ C rẻ nhất tại thị trường Việt Nam.

Doanh số xe Honda sụt giảm trong tháng đầu năm

Lượng xe máy và ô tô Honda bán ra tại Việt Nam trong tháng 1 đều giảm so với tháng liền trước và cùng kỳ năm 2024.

Nhiều dòng xe Honda đồng loạt giảm giá, kích cầu tiêu dùng

Các mẫu xe City, Civic, CR-V và BR-V được Honda giảm giá tương đương 50% lệ phí trước bạ trong tháng 5, trị giá hàng chục triệu đồng.

Doanh số phân khúc SUV hạng A tháng 8/2024: VinFast VF 5 vượt trội

Doanh số phân khúc SUV cỡ nhỏ trong tháng 8/2024 có giảm so với tháng 7, tuy nhiên VinFast VF5 vẫn đứng đầu doanh số. Được biết, doanh số của VF 5 khoảng hơn 2 nghìn chiếc, trong khi các đối thủ còn lại trong phân khúc không mẫu nào quá 430 chiếc.

Có thể bạn quan tâm