Xe điện và xe xăng loại nào dễ cháy hơn?
Thứ Tư, 08/01/2025 - 00:31 - tienkm
Hỏa hoạn luôn là một rủi ro tiềm tàng đối với phương tiện giao thông, và khi xe điện ngày càng phổ biến, nhiều người đặt câu hỏi: liệu xe điện có dễ phát hỏa hơn các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong truyền thống?
Rò rỉ nhiên liệu, chập điện là những nguyên nhân trực tiếp phổ biến dẫn đến tình trạng cháy nổ ở ôtô động cơ đốt trong. |
Nguyên nhân gây cháy ở ô tô động cơ đốt trong
Đối với xe sử dụng động cơ đốt trong, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hỏa hoạn là va chạm giao thông.
- Tai nạn đâm va: Tác động từ va chạm có thể làm nhiên liệu rò rỉ và tiếp xúc với khu vực có nhiệt độ cao trong khoang động cơ. Các tia lửa điện ngẫu nhiên sau va chạm cũng có thể kích hoạt hỏa hoạn.
- Hoạt động quá tải: Khi xe vận hành vượt quá khả năng chịu tải, nhiệt độ trong khoang động cơ tăng cao, dẫn đến hư hỏng các vòng đệm cao su hoặc nhựa. Hậu quả là các chất lỏng như nhiên liệu, dầu bôi trơn, hoặc chất làm mát có thể rò rỉ, gây nguy cơ cháy nổ.
- Tự bốc cháy khi đỗ: Ngay cả khi xe không hoạt động, tình trạng rò rỉ nhiên liệu trong garage có thể gây nguy cơ tự bốc cháy. Nhiệt độ cháy của xăng chỉ từ 247-280°C, và chỉ cần một tia lửa nhỏ, nhiên liệu này dễ dàng bốc cháy.
Ngoài ra, các yếu tố như chập điện từ hệ thống, sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn, hoặc các vấn đề kỹ thuật khác cũng đóng góp vào nguy cơ hỏa hoạn.
Nguyên nhân cháy ở ô tô điện
Với xe điện, nguy cơ cháy chủ yếu xuất phát từ gói pin lithium-ion - thành phần cốt lõi trong hệ truyền động.
- Thoát nhiệt (thermal runaway): Đây là hiện tượng nguy hiểm khi một cell pin trong bộ pin gặp lỗi, thường do:
- Sai sót từ quá trình sản xuất.
- Sử dụng không đúng cách của người dùng.
- Tác động ngoại lực gây hư hỏng bộ pin.
Hiện tượng thoát nhiệt dẫn đến đoản mạch trong cell pin, làm nhiệt độ tăng đột ngột và lan sang các cell pin lân cận, từ đó gây ra cháy nổ.
Cell pin bị hư hỏng có thể khởi nguồn cho vụ cháy xe điện. |
Hiện tượng thoát nhiệt (thermal runaway) khởi đầu bằng một chuỗi phản ứng hóa học khiến cấu trúc cell pin bị phá hủy. Khi nhiệt lượng từ một cell pin tăng lên, các cell pin lân cận cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến khả năng cháy lan toàn bộ bộ pin. Quá trình này chỉ diễn ra trong vài phút nhưng giải phóng một lượng lớn nhiệt cùng khí độc.
Bên cạnh nguy cơ từ pin, hỏa hoạn trên xe điện còn có thể xuất phát từ việc can thiệp không đúng cách vào hệ thống điện. Các nâng cấp tùy tiện như thay đổi hệ thống âm thanh, ánh sáng thường làm hỏng cấu trúc nguyên bản, không chỉ dẫn đến cháy nổ mà còn mất hiệu lực bảo hành từ nhà sản xuất.
Việc can thiệp không đúng cách vào hệ thống điện trên xe cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, không chỉ với xe điện mà cho tất cả phương tiện giao thông. |
Theo EV FireSafe, từ năm 2021 đến tháng 11/2024, Australia ghi nhận 8 vụ cháy xe điện. Trong đó:
- 3 vụ cháy do hỏa hoạn lan từ tòa nhà lân cận.
- 3 vụ liên quan đến va chạm tốc độ cao.
- 1 vụ do cố ý đốt phá.
- 1 vụ chưa rõ nguyên nhân.
Đáng chú ý, chiếc xe trong vụ chưa rõ nguyên nhân đang được kết nối với trụ sạc AC và đã đầy pin khi khói bốc lên. Cảnh sát kết luận rằng trụ sạc không phải nguyên nhân gây cháy, và vụ việc vẫn đang được điều tra.
Các số liệu cho thấy xe điện có tỷ lệ cháy thấp hơn so với ôtô động cơ đốt trong. |
The Guardian, trích dẫn dữ liệu từ Na Uy, chỉ ra rằng tỷ lệ cháy của xe xăng và diesel cao gấp 4-5 lần xe điện.
- Thụy Điển: Năm 2022, có 3,8 vụ cháy trên 100.000 xe điện và hybrid, thấp hơn nhiều so với 68 vụ cháy trên cùng mẫu số ở các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo toàn cầu của EV FireSafe cho thấy:
- Xe điện có tỷ lệ bắt lửa là 0,0012%, tương đương 1/100.000 xe.
- Xe động cơ đốt trong có tỷ lệ phát hỏa là 0,1%, tức gấp gần 100 lần so với xe điện.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Auto Insurance EZ dựa trên thông tin từ NHTSA (Mỹ) lại cho thấy:
- Xe hybrid có nguy cơ cháy cao nhất, với 3.474,5 vụ/100.000 xe.
- Xe động cơ đốt trong đứng thứ hai, với 1.530 vụ/100.000 xe.
- Xe thuần điện ghi nhận tỷ lệ thấp nhất, chỉ 25,1 vụ/100.000 xe.
Tần suất ghi nhận sự cố hỏa hoạn ở xe điện Tesla tại Mỹ là thấp hơn so với mặt bằng chung. |
Theo dữ liệu từ Tesla, trong giai đoạn 2012–2021, trung bình cứ sau 209 triệu km di chuyển tại Mỹ, hãng ghi nhận một vụ cháy liên quan đến xe điện của mình. So sánh với thống kê từ Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ (NFPA), trung bình cứ 29 triệu km sẽ xảy ra một vụ cháy ô tô nói chung tại nước này. Điều này cho thấy tỷ lệ cháy xe điện Tesla thấp hơn khoảng 7 lần so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Mặc dù số liệu cho thấy xe điện có độ an toàn cao hơn, nhưng chúng lại thường bị "điểm mặt gọi tên" trong các vụ cháy. Một ví dụ điển hình là vụ hỏa hoạn tại bãi đỗ xe thuộc sân bay Luton, Anh vào năm 2023. Ban đầu, xe điện bị nghi ngờ là nguyên nhân chính, nhưng Sở Cứu hỏa Bedfordshire sau đó xác nhận đám cháy bắt nguồn từ một chiếc xe diesel.
Xe điện được đánh giá vẫn là phương tiện tương đối mới mẻ với nhiều người. |
Theo chuyên trang Autoweek, tâm lý “đổ lỗi” cho xe điện xuất phát từ sự mới mẻ và chưa phổ biến của loại phương tiện này. Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông có xu hướng đưa tin nhiều hơn về các vụ cháy liên quan đến xe điện, khiến công chúng dễ hiểu lầm rằng xe điện dễ phát hỏa hơn.
Ông Colin Walker, Trưởng bộ phận giao thông thuộc Energy and Climate Intelligence Unit, chỉ ra rằng phần lớn các vụ cháy xe chạy xăng hoặc diesel thường không được báo cáo chi tiết, dẫn đến sự chênh lệch về nhận thức.
Hỏa hoạn trên ô tô điện đòi hỏi công nghệ dập tắt tiên tiến hơn. Theo Allied World Insurance, dập tắt một đám cháy xe xăng hoặc diesel cần khoảng 4.000 lít nước, trong khi xe điện có thể cần lượng nước gấp 40 lần.
Một số sở cứu hỏa đã thử nghiệm phương pháp ngâm hoàn toàn xe điện trong bể nước để kiểm soát đám cháy từ pin lithium-ion. Đây là giải pháp hiệu quả nhưng đòi hỏi chi phí và nguồn lực lớn.
Ôtô điện sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn. |
Để giảm bớt lo ngại từ cộng đồng, các hãng xe điện đã không ngừng cải tiến công nghệ pin với khả năng chống cháy nổ vượt trội. Các thử nghiệm như đâm xuyên pin hoặc bắn đạn qua hệ thống pin đã được thực hiện để chứng minh độ an toàn.
Ngoài ra, việc tập trung phát triển công nghệ chống cháy nổ không chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mà còn để lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng.
Nhìn chung, va chạm nghiêm trọng và can thiệp không đúng cách vào hệ thống điện (chẳng hạn nâng cấp thiết bị âm thanh, ánh sáng) là hai nguyên nhân hàng đầu gây cháy nổ ở cả xe điện và xe chạy xăng/diesel. Để giảm thiểu rủi ro, việc sử dụng phương tiện đúng cách, bảo dưỡng định kỳ và tránh can thiệp không cần thiết vào hệ thống xe là những giải pháp hữu hiệu.
Xe điện không chỉ có tỷ lệ cháy nổ thấp hơn xe chạy xăng và diesel mà còn được trang bị các công nghệ an toàn ngày càng tiên tiến. Tuy nhiên, sự hiểu lầm và tâm lý nghi ngại của công chúng đòi hỏi ngành công nghiệp xe điện phải tiếp tục nâng cao nhận thức và cải thiện công nghệ để khẳng định vị thế của mình trong thị trường ô tô toàn cầu.
Tin cũ hơn
Ra mắt Toyota Century SUV, đối thủ xứng tầm của Rolls-Royce Cullinan
Hyundai Grand i10 thế hệ mới thay đổi ngoại hình, giữ nguyên giá bán
So sánh Lamborghini Urus SE giá 14,8 tỷ đồng với Urus S?
Cận cảnh Mazda CX-3 2024 ra mắt tại Thái Lan, sắp về Việt Nam
Ra mắt xe cơ bắp Mitsuoka M55 giá bán từ 1,3 tỷ đồng
Có thể bạn quan tâm
-
Nissan Almera 2024 lộ diện tại Việt NamMới đây, hình ảnh được cho là của Nissan Almera 2024 đã xuất hiện trên đường phố Việt Nam, hứa hẹn xe có thể sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.
-
Mercedes-AMG G 63 bản độ mạnh hơn Bugatti VeyronHOF Sir Class là bản độ dựa trên nền tảng mẫu SUV Mercedes-AMG G 63 với công suất lên đến 1.063 mã lực.
-
Ra mắt Kia Sportage 2025, nội thất được làm mớiSo với bản tiền nhiệm, phần đầu và nội thất trên Sportage mới được thiết kế lại giúp mẫu xe trông sang trọng hơn.
-
MG ES5 2025 ra mắt, là phiên bản nâng cấp của ZSThay vào vị trí của ZS bản chạy điện thế hệ trước, MG sẽ tung ra một mẫu SUV điện hoàn toàn mới với tên gọi ES5.
-
Chính thức ra mắt Suzuki eVitara 2025 phiên bản thuần điện, mở bán từ năm sauSuzuki eVitara là ô tô điện đầu tiên của Suzuki, sẽ được bán tại châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ từ mùa hè năm 2025.