Những kinh nghiệm vàng lái xe xuyên Việt dịp nghỉ lễ

Thứ Ba, 29/04/2025 - 14:27 - tienkm

Dịp lễ 30/4 năm nay, TP. Hồ Chí Minh tổ chức diễu binh và diễu hành quy mô lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân khắp nơi. Nhiều người đã lên kế hoạch tự lái xe vào trung tâm thành phố để tận mắt theo dõi và hòa mình vào không khí trang nghiêm, sôi động của sự kiện này.

Trước hành trình dài, phương tiện cần kiểm tra, bảo dưỡng kỹ càng để đảm bảo vận hành an toàn.

Chuẩn bị trước mỗi hành trình dài không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố then chốt đảm bảo an toàn và hiệu quả cho chuyến đi. Theo chia sẻ từ anh Phương Minh Tuân – giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội, ngoài việc kiểm tra và bảo dưỡng tổng thể phương tiện để đảm bảo xe vận hành ổn định, người lái cần chủ động chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, đồng thời xây dựng lịch trình hợp lý và lựa chọn tuyến đường phù hợp nhằm tránh tình trạng quá sức, đặc biệt với các hành trình kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Một yếu tố sống còn khác là việc tuân thủ nghiêm ngặt luật giao thông, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường và tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi lái xe – một thói quen tưởng nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất tập trung và tai nạn nghiêm trọng.

Anh Tuân cũng lưu ý, nhiều người lo ngại việc di chuyển vào ban đêm do tầm nhìn hạn chế và nguy cơ mệt mỏi cao. Tuy nhiên, nếu người lái đảm bảo thể trạng tốt, tỉnh táo và không buồn ngủ, việc đi đêm có thể mang lại lợi thế về mật độ giao thông thấp và đường thông thoáng hơn. Trong trường hợp này, tài xế cần duy trì tốc độ vừa phải, đảm bảo hệ thống đèn chiếu sáng hoạt động hiệu quả và tập trung cao độ để xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ.

Đặc biệt, không nên lái xe khi cơ thể mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Với các chuyến đi dài, tốt nhất nên có ít nhất hai tài xế thay phiên nhau cầm lái để giảm áp lực, đảm bảo sự tỉnh táo xuyên suốt hành trình.

Từ góc độ người từng nhiều lần xuyên Việt bằng ô tô, anh Nguyễn Mạnh Thắng quản trị viên diễn đàn Oto+ khẳng định, để có thể "đi đến nơi, về đến chốn" một cách an toàn và khỏe mạnh, người lái cần kết hợp nhiều yếu tố cả về thể chất, kỹ năng lẫn phương tiện. Với những chặng đường hàng trăm hoặc hàng nghìn kilomet, các dòng xe gầm cao như SUV 5-7 chỗ hoặc bán tải đời mới là lựa chọn tối ưu. Không chỉ cung cấp tầm nhìn thoáng đãng hơn cho tài xế, những dòng xe này còn được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ lái và an toàn chủ động, giúp người điều khiển giảm tải áp lực khi di chuyển liên tục.

Ngoài ra, xe có khoang nội thất rộng rãi và thể tích chứa đồ lớn giúp hành khách thoải mái và hạn chế cảm giác bí bách nguyên nhân phổ biến gây say xe trên các cung đường dài.

Về tư thế ngồi, anh Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh vị trí ghế lái hợp lý. Cụ thể, nên hạ thấp ghế ngồi và ngả nhẹ phần lưng hơn so với tư thế thường ngày. Việc ngồi quá cao, cúi nhiều về phía trước dễ gây mỏi mắt và căng cơ. Trong khi đó, tư thế ngồi thấp giúp mở rộng tầm quan sát về phía xa, giảm hiện tượng mỏi mắt và tăng thời gian phản ứng trước các tình huống bất ngờ – điều tối quan trọng trên các tuyến đường dài, phức tạp.

Lựa chọn di chuyển bằng cao tốc để rút ngắn thời gian, có trạm dừng nghỉ.

Nên lựa chọn cao tốc để di chuyển

Lựa chọn tuyến đường phù hợp không chỉ giúp tối ưu thời gian di chuyển mà còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn và duy trì thể trạng tốt cho người lái. Theo anh Phương Minh Tuân giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội, hiện nay mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với mặt đường chất lượng, hệ thống biển báo rõ ràng và các trạm dừng nghỉ bố trí hợp lý. Chính vì vậy, đối với các hành trình dài, đặc biệt là hành trình xuyên Việt, việc ưu tiên sử dụng đường cao tốc là lựa chọn thông minh, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và giảm thiểu mệt mỏi.

Một lợi thế đáng kể khi di chuyển trên cao tốc là sự hiện diện của các trạm dừng nghỉ tiêu chuẩn, cho phép tài xế có thể tạm nghỉ, thư giãn hoặc thay đổi người lái khi cảm thấy mệt mỏi điều cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa tình trạng mất tập trung, lái xe trong trạng thái không tỉnh táo. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích này là mức phí sử dụng cao tốc, điều mà người lái cần tính toán trước khi lập kế hoạch hành trình.

Dưới góc nhìn của anh Nguyễn Mạnh Thắng – quản trị viên diễn đàn Oto+, người từng có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các chuyến đi xuyên Việt, hệ thống cao tốc hiện tại đã đạt đến một mức độ phát triển tương đối đồng bộ. Các tuyến đường như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, TP.HCM – Long Thành Dầu Giây,... đều có mặt đường rộng, nhiều làn xe, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình dài hàng nghìn kilomet.

Theo anh Thắng, khi di chuyển trên cao tốc có từ ba làn xe mỗi chiều trở lên, nên ưu tiên đi ở làn giữa. Đây là làn đường có mức độ an toàn tương đối cao bởi tài xế có được tầm quan sát bao quát hơn so với làn sát dải phân cách hoặc làn ngoài cùng. Việc này giúp người lái dễ dàng nhận diện các phương tiện di chuyển ở cả hai phía và đặc biệt hữu ích ở các đoạn cua cong sang trái – nơi mà cây cối hoặc vật chắn bên lề có thể gây khuất tầm nhìn nếu đi quá sát mép đường.

Ngoài ra, trong các tình huống khẩn cấp như xe phía trước phanh gấp hoặc có vật cản bất ngờ, việc di chuyển ở làn giữa sẽ cho phép tài xế có không gian linh hoạt hơn để xử lý, có thể chuyển sang trái hoặc phải để tránh va chạm. Trái lại, nếu đang ở làn tốc độ cao (sát dải phân cách) thì lựa chọn tránh né thường chỉ còn lại làn giữa hạn chế phương án xử lý.

Một điểm quan trọng khác được anh Thắng nhấn mạnh là ảnh hưởng từ điều kiện môi trường trên các tuyến cao tốc. Đặc biệt, các tuyến có dải phân cách bằng bê tông cao và cứng như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thường tạo ra hiện tượng gió quẩn rất mạnh sát mép dải phân cách. Những luồng gió xoáy này có thể gây mất ổn định cho các phương tiện nhỏ, làm xe bị chao đảo nếu không kiểm soát tốt.

Việc chạy sát dải phân cách trong thời gian dài cũng có thể gây mỏi mắt, thậm chí sinh ra cảm giác hoa mắt, ảo giác – một nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến mất tập trung và giảm khả năng phản ứng của tài xế trên những chặng đường dài.

Khi xuyên Việt bằng xe điện, tài xế cần chú ý hành trình có các điểm sạc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý.

Đi xe điện cần chú ý trạm sạc

Trải nghiệm xuyên Việt bằng ô tô điện là một hành trình hoàn toàn khả thi nếu người lái có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt trong việc lập kế hoạch sạc pin. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Thắng – một người dùng dày dạn kinh nghiệm với nhiều chuyến xuyên Việt bằng xe điện, điểm khác biệt lớn nhất giữa xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong nằm ở việc “nạp năng lượng”. Trong khi xe xăng có thể dễ dàng đổ đầy nhiên liệu tại bất kỳ trạm xăng nào, thì xe điện đòi hỏi người dùng phải chủ động tính toán điểm sạc phù hợp theo từng chặng đường.

Anh Thắng nhấn mạnh rằng việc sạc pin không nhất thiết phải đợi đến khi xe báo mức pin thấp mới vội vã tìm trạm sạc một sai lầm phổ biến của những người mới sử dụng xe điện. Thay vào đó, người lái nên tranh thủ sạc khi dừng nghỉ, kể cả khi dung lượng pin vẫn còn nhiều, nhằm tối ưu hóa thời gian và giảm áp lực cho hành trình.

"Hiện nay, nếu đi theo các tuyến Quốc lộ 1A hoặc đường Hồ Chí Minh, hệ thống trạm sạc đã được phủ rộng với mật độ hợp lý. Tuỳ thuộc vào dòng xe, người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn điểm sạc sao cho thuận tiện nhất với lộ trình," anh Thắng chia sẻ.

Lấy ví dụ cụ thể, anh cho biết nếu sử dụng các dòng xe điện như VinFast VF 7, VF 8 hoặc VF 9 vốn có quãng đường di chuyển tương đối dài sau mỗi lần sạc đầy thì người dùng có thể bắt đầu từ Hà Nội với pin đầy, sau đó sạc tiếp tại điểm dừng nghỉ Tây Ninh Bình. Từ đây, xe có thể tiếp tục di chuyển thẳng đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mà không cần sạc lại giữa chừng.

Bản thân anh Thắng, trong mỗi chuyến xuyên Việt, thường lập kế hoạch chạy mỗi chặng khoảng 250 – 300 km, sau đó dừng nghỉ để kết hợp sạc xe và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế, anh cho biết không nên cố sạc pin đầy 100% tại mỗi điểm dừng vì điều này thường tốn nhiều thời gian hơn mức cần thiết. Thay vào đó, mức sạc lý tưởng là khoảng 80%, vừa đảm bảo đủ năng lượng cho chặng tiếp theo, vừa rút ngắn thời gian sạc và tăng hiệu quả sử dụng trạm sạc.

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Màn hình cảm ứng ô tô lợi bất cập hại

Màn hình cảm ứng là một trang bị tiện ích trên xe ô tô, tuy nhiên việc lạm dụng chúng có thể dẫn tới gia tăng tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông.

Mùa mưa phùn ẩm ướt, 4 cách dùng ô tô hiệu quả nhất

Miền Bắc đang bước vào giai đoạn thời tiết mưa rét ẩm ướt khiến nhu cầu dùng ô tô tăng cao, nhưng cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây hại cho sức khoẻ nếu chủ xe không chăm sóc đúng cách.

Bí quyết giữ lưng khô thoáng trong suốt hành trình

Nhiều tài xế hiện nay đang gặp phải tình trạng đổ mồ hôi lưng khi lái xe, đặc biệt là trên những hành trình dài. Hiện tượng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sự thoải mái và tập trung của người lái.

Khi nào nên lấy gió trong và gió ngoài trên ô tô?

Hai chế độ lấy gió trong, gió ngoài trên hệ thống điều hòa ô tô có những tác dụng rất khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đảm bảo sức khoẻ cho những người trên xe.

Vì sao không nên về P trước khi kéo phanh tay?

Nếu về P trước khi kéo phanh tay, khoảng xê dịch nhỏ khi xe đỗ trên dốc có thể khiến bánh răng cóc giữ hộp số bị mòn, mất tác dụng.

Có thể bạn quan tâm