Bộ Tài chính xin rút đề xuất giảm 50% phí trước bạ?

Thứ Sáu, 19/07/2024 - 11:34

Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Động thái này khiến người dùng hoang mang.

Có thể không giảm thuế trước bạ 50%

Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại hồ sơ này, Bộ Tài chính đã cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo nghị định.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được thực hiện trong 3 đợt, gồm: từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020; từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022; từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.

Bộ Tài chính cho biết các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ôtô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Tài chính cho biết thêm qua các năm, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ cũng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, lần lượt là 7.314 tỉ đồng; 7.896 tỉ đồng và 5.238 tỉ đồng. Nếu năm 2024 tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại đề xuất này sẽ về vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.

Bộ Tài chính cho biết, tại công văn ngày 26/4/2024 và Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 31/5/2024, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: cân nhắc không thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Phương án 2: giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.

Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.

Tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến về việc hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và thực hiện xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách, rút gọn.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã bất ngờ thông tin vẫn đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/2/2025 và hiện tại Bộ Tài chính đã bất ngờ đề xuất xin… rút đề xuất giảm lệ phí trước bạ khiến một số lượng không nhỏ người tiêu dùng buộc phải lựa chọn giữa “ngã ba đường”.

Thông tin mới nhất của Bộ Tài chính ngay lập tức có động rất lớn tới toàn thị trường xe Việt vì vấn đề giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước lâu nay được dư luận rất quan tâm.

Xem thêm: Ô tô lắp ráp tăng doanh số nhờ tin giảm lệ phí trước bạ

Người tiêu dùng “đổi chiến thuật”

Chính sách giảm lệ phí trước bạ ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu.

Anh Nguyễn Văn Nam (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết gia đình anh đã đặt cọc mua một chiếc xe thương hiệu Kia lắp ráp trong nước vào tháng 6 vừa qua nhằm được hưởng giảm 50% lệ phí trước bạ. Khi có thông tin có thể sang tháng 8 mới được ưu đãi, anh Nam quyết định sẽ nộp phạt với đại lý chậm giải ngân số tiền vay ngân hàng mua xe. Tuy nhiên, thông tin vừa qua của Bộ Tài chính đã khiến anh Nam và cả gia đình “ngã ngửa” vì phải tính toán lại toàn bộ kế hoạch tài chính.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, chị Lê Bích Huyền (Hà Đông, Hà Nội) và gia đình đi “săn xe” từ tháng 5 vì các showroom “cháy hàng” mẫu xe chị tìm mua là một mẫu CUV cỡ B đang rất hot. Cũng giống như anh Nam, chị Huyền sẵn sàng nộp phạt chậm giải ngân cho đại lý để nhờ giữ xe và chờ hưởng ưu đãi từ nhà nước. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, chị Huyền cũng đang phải đứng “giữa dòng nước” và buộc phải đưa ra lựa chọn sớm nếu không sẽ “thiệt đơn, thiệt kép” vì chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ của nhà nước.

Theo khảo sát, trong những ngày qua, trường hợp như chị Huyền, anh Nam là rất nhiều. Nhân viên nhiều showroom tại Hà Nội cho biết tình trạng này hoàn toàn dễ hiểu vì không chỉ người tiêu dùng mà ngay các đại lý phân phối xe lắp ráp trong nước cũng “hồi hộp” chẳng kém. Càng sát thời điểm được cho sẽ có chính sách mới, việc xây dựng chính sách ưu đãi kèm theo cũng rất quan trọng.

Xem thêm: Đặt cọc ô tô chờ lệ phí trước bạ giảm có nên không?

Anh Lê Duy, nhân viên tư vấn bán xe một showroom tại khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết rất nhiều khách hàng của anh đã cọc xe từ tận tháng 5 và sẵn sàng mất thêm chi phí gửi xe tại bãi, trả phạt chậm giải ngân để “lời được đồng nào hay đồng nấy”. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì rất khó để khẳng định có chính sách giảm thuế hay không khiến khách hàng đau đầu tính toán.

Trong khi đó, theo lý giải của anh Hoàng Dũng, nhân viên tư vấn bán hàng một showroom khác khu vực đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), sau khi Bộ Tài chính có đề xuất rút sẽ đề xuất giảm phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước, người tiêu dùng chắc chắn sẽ đắn đo giữa việc đi đóng thuế ngay để lấy xe đã cọc và hay tiếp tục chờ giảm thuế.

Tuy nhiên, theo quan điểm của anh Dũng, sẽ có một số lượng lớn khách hàng chọn con đường đi đăng ký xe luôn vì sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Đầu tiên, nếu chờ thuế, thời điểm lấy xe sẽ rơi vào tháng 7 âm lịch, tháng mà nhiều người Việt vẫn kiêng kị làm việc lớn, do đó, ít nhất phải qua rằm tháng 7, chủ xe mới lấy xe. Nhưng trong kịch bản giảm thuế thì chủ xe cũng phải chịu rất nhiều chi phí đi kèm như tiền phí gửi xe ở bãi xe của showroom, phí phạt chậm giải ngân từ ngân hàng cho đại lý (nếu khách hàng vay mua xe một phần từ ngân hàng). Thời gian càng dài thì người tiêu dùng sẽ càng mất nhiều chi phí. Tiếp đến là khấu hao xe để phơi mưa phơi nắng.

Cũng trong kịch bản người dùng chờ thuế thì hiện việc có chính sách mới hay không vẫn chưa ai dám khẳng định. Nếu không có chính sách mới thì chủ xe chắc chắn sẽ mất thêm một khoản chi phí không nhỏ nêu trên và vẫn phải nộp đủ thuế trước bạ mua xe mới. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến phương án án tối ưu hơn hơn cả đó là đóng thuế lấy xe như bình thường, thay vì chờ đợi chính sách giảm thuế hiện đang rất “hên xui”.

Cũng theo phân tích của anh Dũng, cả thị trường xe Việt thời gian qua đang thấp thỏm chờ chính sách mới, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số của toàn thị trường. Đặc biệt với xe lắp ráp và sản xuất trong nước, người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi chính sách mới, trong khi đó, các nhà phân phối xe nhập khẩu liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi rất hấp dẫn. Điều này đã giúp xe nhập khẩu có tăng trưởng tốt trong những tháng vừa qua, thậm chí đã vượt cả xe lắp ráp trong nước. Về lâu dài, điều này không có lợi cho thị trường xe Việt.

Theo số liệu bán hàng gần nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2024, các thành viên thuộc VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 24.350 xe. Tuy nhiên doanh số bán xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.367 xe.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này ở thời điểm hiện tại đó là dù không nhận được nhiều ưu đãi như xe sản xuất và lắp ráp trong nước nhưng xe nhập khẩu nguyên chiếc ở một số thị trường khu vực Việt Nam đã ký các FTA được hưởng ưu đãi thuế quan rất lớn. Chính điều này đang gây sức ép không nhỏ lên xe sản xuất lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, các mẫu xe nhập khẩu liên tục tung ra những chương trình ưu đãi lớn, giảm giá sâu rất hấp dẫn, đã giúp tăng doanh số hơn nhiều so với xe lắp ráp trong nước.

Hiện tại, theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, việc giảm thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước là việc làm cần thiết để kích cầu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Nam có thể bị kiện vì đã ký các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu không có chính sách giảm thuế trước bạ thì cũng cần có các biện pháp vĩ mô khác để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể đủ sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại nhập nếu không muốn xe Việt thất thế trên chính sân nhà và bị các đối thủ ngoại nhập vượt mặt.

Tín hiệu không tốt này này đi ngược lại mục tiêu tăng trưởng đã được Chính phủ đề ra. Cụ thể, theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt ~ 227.500 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 114.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 14.200 chiếc, xe tải ~ 97.960 chiếc, xe chuyên dụng ~ 1.340 chiếc. Đến năm 2025, tổng sản lượng xe sản xuất trong nước phải đạt ~ 466.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 237.900 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 29.100 chiếc, xe tải - 197.000 chiếc, xe chuyên dụng ~ 2.400 chiếc.

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Khuyến mãi đặc biệt tháng 7/2024: Hyundai Santa Fe giảm giá lên tới trăm triệu đồng

Tất cả các phiên bản Hyundai Santa Fe hiện được giảm giá niêm yết từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng, đưa mức giá khởi điểm mới xuống dưới 1 tỷ đồng.

VinFast VF 7 sắp ra mắt và mở bán tại Việt Nam

Theo thông tin từ VinFast, mẫu xe nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng, VF 7 sẽ chính thức ra mắt và mở bán tại Việt Nam trong tháng này.

Giá ô tô cũ 'rớt thảm', dân buôn xe gồng mình chịu lỗ

Thị trường ô tô cũ cuối năm 2023 mặc dù có dấu hiệu ấm lên nhưng không đáng kể. Ngoài giảm giá sập sàn, nhiều showroom còn phải hỗ trợ khách 'tận răng' để mong xả được hàng tồn.

Hyundai Accent là mẫu ô tô ăn khách nhất của thương hiệu Hàn Quốc từ đầu năm 2024

Hyundai Accent tiếp tục giữ vai trò mẫu ô tô chủ lực về doanh số của thương hiệu Hàn Quốc sau khi bước sang đời xe 2024.

Thị trường xe Việt ngày càng ưa chuộng mẫu xe SUV đô thị

SUV đô thị đang là phân khúc có đa dạng mẫu xe đến từ nhiều thương hiệu cùng tham gia. Hiện tại đang có 8 mẫu xe khác nhau đang cạnh tranh tại thị trường Việt Nam

Có thể bạn quan tâm