Xe Hybrid có phải là cánh cửa cuối cho BYD tại Việt Nam?

Thứ Năm, 10/04/2025 - 10:30 - tienkm

Dù đã có mặt tại Việt Nam gần 1 năm, tình hình kinh doanh của "ông lớn" xe điện BYD vẫn chưa rõ ràng. Trước những khó khăn trong phân khúc xe điện, hãng xe Trung Quốc này vừa chuyển hướng sang mảng hybrid để tìm cơ hội tăng trưởng mới.

Mẫu Sealion 6 của BYD sắp được đưa về Việt Nam.

BYD Sealion 6 dự kiến ra mắt thị trường Việt Nam vào đầu quý II/2025, đánh dấu bước đi tiếp theo của thương hiệu Trung Quốc trong nỗ lực mở rộng danh mục sản phẩm tại thị trường Đông Nam Á. Dù mức giá cụ thể hiện chưa được công bố, nhiều nguồn tin nhận định rằng mẫu hybrid mới này sẽ có giá khởi điểm từ khoảng 800 triệu đồng một mức định vị chiến lược để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ sừng sỏ như Honda CR-V hay Haval H6.

Khác với hình ảnh thường gắn liền với xe thuần điện, BYD thực tế còn sở hữu thế mạnh ở mảng xe hybrid một lựa chọn trung hòa giữa xe xăng truyền thống và xe điện trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc hãng chuyển hướng đưa dòng hybrid vào thị trường Việt Nam được xem là bước đi chiến thuật, nhất là khi doanh số xe điện của BYD chưa đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: liệu chiến lược này có mang tính lâu dài hay chỉ là giải pháp “xoay trục” tạm thời sau những khởi đầu chưa mấy thành công tại Việt Nam?

Theo thống kê từ VAMA, năm 2024, tổng doanh số xe hybrid tại Việt Nam đạt gần 10.000 xe tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023. Dẫn đầu phân khúc là Toyota với hơn 5.350 xe hybrid bán ra, chiếm 54,2% thị phần. Ngoài ra, nhiều hãng khác cũng tham gia nhưng không công bố chi tiết doanh số. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đang dịch chuyển rõ rệt sang các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, tham gia vào phân khúc hybrid ở thời điểm hiện tại là một bài toán không đơn giản cho BYD. Thị trường đang có gần 20 mẫu xe hybrid cạnh tranh trực tiếp, trong đó Toyota chiếm ưu thế tuyệt đối cả về số lượng sản phẩm lẫn độ nhận diện thương hiệu. Tại Việt Nam, Toyota hiện có tới 6 mẫu xe sở hữu phiên bản hybrid, từ phổ thông đến cao cấp. Honda  đối thủ Nhật Bản khác  cũng đã đưa vào các bản hybrid cho CR-V và Civic. Suzuki phân phối XL7 Hybrid, trong khi các thương hiệu Trung Quốc như Haval và Omoda cũng lần lượt tham chiến với nhiều sản phẩm mới.

Trong bối cảnh giá xe điện vẫn cao, trạm sạc phát triển chậm và người tiêu dùng còn tâm lý e ngại, xe hybrid đang nổi lên như lựa chọn "cầu nối" lý tưởng – vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa không phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng sạc. Toyota sớm nhận ra xu hướng này và đang mở rộng danh mục hybrid để đón đầu nhu cầu thị trường.

Với việc BYD bước vào phân khúc hybrid tại Việt Nam, hãng sẽ phải đối mặt với một thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Toyota  vốn đã thiết lập vị thế vững chắc cả về công nghệ, dải sản phẩm và niềm tin từ người tiêu dùng. Trong cuộc đua này, để khẳng định được mình, BYD sẽ cần nhiều hơn là một mức giá tốt mà còn phải có chiến lược dài hơi, sản phẩm thực sự phù hợp với thị hiếu người Việt, cùng hệ sinh thái dịch vụ hậu mãi đáng tin cậy.

Toyota đang nắm giữ vị trí top đầu trong mảng xe hybrid tại Việt Nam.

Một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của BYD tại thị trường Việt Nam chính là giá bán. Trong khi các mẫu xe hybrid của các hãng Nhật Bản như Toyota hay Honda thường được định vị ở mức giá cao so với mặt bằng chung của phân khúc, thì đây có thể là "khe cửa hẹp" để BYD tạo lợi thế. Nếu BYD có thể đưa ra mức giá dễ tiếp cận hơn, họ hoàn toàn có thể thu hút được nhóm khách hàng đang cân nhắc giữa tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, bài toán giá không đơn thuần chỉ là chuyện con số. BYD – với xuất xứ từ Trung Quốc – vẫn đang phải đối mặt với định kiến thương hiệu từ một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Minh chứng rõ nét cho thách thức này là trường hợp của Haval, một thương hiệu Trung Quốc khác từng ra mắt với mức giá khá cao, nhưng sau đó buộc phải liên tục điều chỉnh giá xuống mà vẫn gặp khó trong việc đạt mục tiêu doanh số. Trên thị trường quốc tế, BYD cũng từng vướng vào không ít tranh cãi liên quan đến chiến lược giảm giá sâu, khiến niềm tin người tiêu dùng bị lung lay tại một số khu vực.

Bên cạnh yếu tố giá, độ nhận diện thương hiệu cũng là một rào cản lớn. Dù là tập đoàn xe điện hàng đầu toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, BYD vẫn là cái tên khá mới mẻ và chưa xây dựng được nền tảng niềm tin như các đối thủ đến từ Nhật Bản – vốn đã có mặt tại Việt Nam hàng chục năm qua, với hệ thống đại lý, dịch vụ hậu mãi và danh tiếng đã được kiểm chứng.

Một điểm trừ khác trong chiến lược phát triển dài hạn của BYD tại Việt Nam là sự thiếu rõ ràng. Thời điểm đầu khi bước chân vào thị trường, BYD từng thể hiện tham vọng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch này đã lặng lẽ bị tạm hoãn mà không có bất kỳ lộ trình cụ thể nào, làm dấy lên nghi ngờ về cam kết đầu tư nghiêm túc và lâu dài của thương hiệu này.

Ở mảng xe điện, BYD còn gặp thách thức lớn trong việc xây dựng hệ sinh thái trạm sạc – một yếu tố sống còn để khách hàng tin tưởng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tính đến nay, hãng vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể nào về việc phát triển hạ tầng sạc. Mọi thông tin chỉ dừng ở mức chung chung như “đang phối hợp với các đối tác”, nhưng không có mốc thời gian rõ ràng về việc phổ cập hạ tầng cho người dùng.

Trong bối cảnh đó, việc BYD chuẩn bị tung ra một mẫu xe hybrid như Sealion 6 có thể được xem là một chiến lược điều chỉnh để tìm kiếm cơ hội thứ hai sau những bước đi chưa mấy thành công ở mảng xe điện. Tuy nhiên, thách thức phía trước là không nhỏ. Không chỉ phải vượt qua định kiến, BYD còn phải cạnh tranh với những thương hiệu Nhật Bản đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt cả về chất lượng, giá trị thương hiệu lẫn hệ thống dịch vụ.

Tóm lại, việc đưa Sealion 6 hybrid vào thị trường Việt Nam là bước đi đáng chú ý, nhưng liệu đây có phải là “cứu cánh” thực sự cho BYD hay chỉ là một giải pháp tạm thời, vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong một thị trường đã có sự phân hóa rõ rệt và cạnh tranh khốc liệt, thành công của BYD sẽ phụ thuộc không chỉ vào sản phẩm, mà còn vào mức độ nhất quán trong chiến lược phát triển dài hạn, khả năng thích nghi với thị hiếu địa phương và sự đầu tư nghiêm túc vào hệ sinh thái hỗ trợ.

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Volvo bùng nổ 2024, hứa hẹn sẽ ra mắt nhiều mẫu xe mới trong năm 2025

Trong năm 2025, Volvo sẽ ra mắt một số xe điện và plug-in hybrid, trong đó bao gồm những mẫu xe hoàn toàn mới và các phiên bản cập nhật.

Hyundai Thành Công tung ưu đãi kép cho khách mua xe dịp đầu năm

Hyundai ưu đãi giảm giá cao nhất 45 triệu đồng cho các xe sản xuất năm 2024, đồng thời nâng thời gian bảo hành.

Loạt ô tô hybrid chuẩn bị ra mắt thị trường Việt Nam cuối năm 2024

Cuối năm 2024, nhiều mẫu ô tô hybrid đã được thông báo sẽ ra mắt tại Việt Nam thuộc nhiều phân khúc khác nhau, có sản phẩm lần đầu được trang bị hệ truyền động hybrid.

Thế giới đã sản xuất bao nhiêu Pin cho xe điện trong năm 2024?

Năm 2024, số lượng ô tô điện chở khách toàn cầu tăng 26,1%, nhờ sự phổ biến của xe điện và xe hybrid sạc điện, kéo theo nhu cầu lớn về pin EV.

Top 10 xe bán chạy quý 1 năm 2024: Ford Ranger dẫn đầu

Mitsubishi Xpander dù có 2 tháng dẫn đầu thị trường nhưng vẫn đứng thứ 2 trong top 10 xe ô tô bán chạy quý I/2024, sau Ford Ranger.

Có thể bạn quan tâm