Ô tô Trung Quốc làm gì để lấy lòng người tiêu dùng Việt?

Thứ Tư, 07/05/2025 - 14:39 - tienkm

Từ việc triển khai các chương trình cho mượn xe dùng thử kéo dài hàng tuần, áp dụng chính sách bảo hành lên tới 1 triệu km, tổ chức bốc thăm tặng xe cho khách lái thử, cho đến cam kết xây dựng nhà máy lắp ráp ngay tại Việt Nam các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang vận dụng mọi chiến lược có thể để tạo dấu ấn và duy trì sự hiện diện trên thị trường Việt Nam vốn cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi cao về uy tín.

BYD là một trong những hãng ô tô Trung Quốc có dải sản phẩm rộng tại Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở phân khúc xe điện và xe gầm cao phổ thông, nhiều thương hiệu ô tô mới tại Việt Nam đang triển khai những chiến lược tiếp cận khách hàng sáng tạo và táo bạo. Một ví dụ điển hình là BYD hãng xe điện Trung Quốc khi áp dụng chương trình cho mượn xe dùng thử miễn phí trong 30 ngày. Mỗi tháng, 30 khách hàng được chọn ngẫu nhiên sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều phiên bản xe điện của BYD mà không phát sinh bất kỳ chi phí nào. Nếu sau quá trình sử dụng thử, khách hàng quyết định mua xe, họ sẽ được hưởng mức chiết khấu từ 5–10% so với giá niêm yết hoặc nhận các phần quà tặng giá trị đi kèm.

Không dừng lại ở đó, BYD cũng tung ra ưu đãi hấp dẫn dành cho nhóm khách hàng tiên phong. Cụ thể, mẫu BYD Sealion 6 một trong những sản phẩm chủ lực trong năm 2025 có giá niêm yết lần lượt là 839 triệu và 936 triệu đồng cho hai phiên bản. Tuy nhiên, trong giai đoạn mở bán ban đầu, 1.000 khách hàng đầu tiên được ưu đãi giảm giá trực tiếp, chỉ còn 799 triệu và 899 triệu đồng. Chiến lược định giá này không chỉ giúp kích cầu mà còn tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.

Chiến lược tương tự cũng được thương hiệu Jaecoo áp dụng với mẫu J7. Trong chương trình mở bán từ ngày 15/1 đến 28/2, 666 khách hàng đầu tiên được giảm giá trực tiếp 60 triệu đồng cho bản máy xăng và 80 triệu đồng cho bản hybrid. Nhờ đó, giá bán thực tế chỉ còn 729 triệu và 919 triệu đồng – mức giá được đánh giá là rất cạnh tranh trong phân khúc SUV đô thị cao cấp.

Không chỉ tập trung vào giá bán, Jaecoo còn đưa ra chính sách hậu mãi khác biệt. Tất cả các mẫu xe đều được bảo hành lên tới 7 năm hoặc 1.000.000 km – gấp đôi so với tiêu chuẩn phổ biến hiện nay (thường là 3–5 năm hoặc 100.000–200.000 km). Đặc biệt, hệ thống động cơ còn được bảo hành lên đến 10 năm hoặc 1.000.000 km, tạo ra sự yên tâm tuyệt đối cho người dùng trong dài hạn.

Một chính sách được xem là “lạ nhưng đắt giá” cũng được Omoda & Jaecoo Việt Nam triển khai: cam kết bảo đảm giá xe trong vòng 12 tháng kể từ ngày mua. Nếu trong khoảng thời gian này, giá niêm yết giảm, khách hàng đã mua trước đó sẽ được hoàn lại phần chênh lệch. Gần đây, mẫu Jaecoo J7 PHEV giảm giá niêm yết 30 triệu đồng và đi kèm ưu đãi 90 triệu, đưa giá bán thực tế từ 999 triệu xuống còn 879 triệu đồng. Với những khách đã mua xe trước thời điểm giảm giá và thuộc lô hàng ưu đãi từ 919–929 triệu chưa bán hết, họ đã được hoàn trả từ 40–50 triệu đồng – điều hiếm gặp tại thị trường ô tô Việt Nam.

Song song đó, Geely một thương hiệu Trung Quốc đang từng bước thâm nhập thị trường – cũng triển khai hoạt động trải nghiệm lái thử có thưởng. Trong tháng 5, khách hàng tham gia lái thử mẫu Geely Coolray Flagship sẽ có cơ hội bốc thăm trúng thưởng một chiếc xe hoàn toàn mới, mở rộng cách tiếp cận người dùng theo hướng tương tác trực tiếp và truyền cảm hứng sở hữu.

Xây nhà máy để thể hiện cam kết dài hạn

Không chỉ dừng lại ở việc chinh phục thị trường bằng các chiến lược bán hàng linh hoạt và ưu đãi mạnh tay, một số hãng ô tô Trung Quốc còn cho thấy cam kết lâu dài tại Việt Nam thông qua kế hoạch đầu tư sản xuất quy mô lớn ngay trong nước. Đây là bước đi chiến lược nhằm củng cố niềm tin người tiêu dùng và thiết lập chỗ đứng vững chắc trên bản đồ ô tô Việt Nam.

Đáng chú ý, Tập đoàn Geely một trong những “ông lớn” của ngành công nghiệp xe Trung Quốc đã chính thức bắt tay với Công ty Cổ phần Tasco để thành lập liên doanh lắp ráp ô tô tại tỉnh Thái Bình. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến đạt công suất 75.000 xe mỗi năm, với tổng vốn đầu tư lên tới 168 triệu USD. Theo kế hoạch, những chiếc xe đầu tiên từ nhà máy này sẽ lăn bánh và đến tay khách hàng Việt vào đầu năm 2026, mở ra kỳ vọng về nguồn cung ổn định và giá bán cạnh tranh hơn trong thời gian tới.

Trước đó, vào cuối năm 2023, một thương vụ đầu tư lớn khác cũng đã được công bố. Tập đoàn Chery hãng xe đứng sau hai thương hiệu đang nổi là Omoda và Jaecoo đã ký kết hợp tác với Geleximco để triển khai dự án nhà máy sản xuất ô tô tại cùng địa điểm Thái Bình. Với quy mô ấn tượng, nhà máy này được thiết kế để đạt công suất lên tới 200.000 xe mỗi năm khi hoàn thiện. Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 800 triệu USD, trong đó giai đoạn đầu dự kiến hoàn tất vào quý III/2025.

Những động thái này cho thấy xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu sang sản xuất nội địa đang được các hãng xe Trung Quốc đẩy mạnh tại Việt Nam – không chỉ để tối ưu chi phí và rút ngắn thời gian cung ứng, mà còn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn nội địa hóa, từ đó tăng khả năng cạnh tranh lâu dài trên thị trường.

Hình ảnh dự kiến của nhà máy Omoda & Jaecoo tại Thái Bình.

Vào tháng 5/2023, Tập đoàn BYD nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc từng công bố kế hoạch đầu tư khoảng 250 triệu USD để xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô điện tại Việt Nam. Trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Wang Chuanfu Chủ tịch BYD đã bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý và đưa nhà máy vào vận hành.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ nhà máy nào của các thương hiệu ô tô Trung Quốc thực sự đi vào hoạt động tại Việt Nam. Ngoại lệ duy nhất là dự án của Omoda & Jaecoo, với kế hoạch tổ chức lễ động thổ nhà máy đầu tiên vào ngày 12/5 tới bước khởi đầu đáng chú ý cho tham vọng nội địa hóa sản xuất của thương hiệu này.

Đáng chú ý, vào tháng 3/2024, Reuters dẫn nguồn tin nội bộ cho biết BYD đã tạm hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Đến tháng 7/2024, thông tin được chính Thủ tướng Campuchia xác nhận: BYD sẽ chuyển hướng đầu tư sang quốc gia láng giềng, với dự án nhà máy lắp ráp ô tô mới đặt tại Campuchia.

Các chuyên gia nhận định rằng chuỗi động thái kể trên phản ánh nỗ lực không nhỏ từ phía các hãng xe Trung Quốc trong việc thâm nhập và thuyết phục thị trường Việt Nam vốn là một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh và có sức cạnh tranh cao trong khu vực.

Dù vậy, câu hỏi lớn đặt ra là mức độ cam kết lâu dài của các thương hiệu này đến đâu, nhất là khi bài học từ thương hiệu AION – một hãng xe Trung Quốc từng tạo được sự chú ý nhưng lại đột ngột rút lui sau chưa đầy 3 tháng khai trương đại lý đầu tiên vẫn còn rất mới. Việc “ra đi trong im lặng” như vậy phần nào làm dấy lên nghi ngại về sự ổn định và tính bền vững của một số thương hiệu xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, để thực sự chinh phục người dùng Việt, các hãng xe Trung Quốc còn phải vượt qua hàng loạt rào cản thực tế: từ độ bền và chất lượng sản phẩm, khả năng giữ giá khi bán lại, đến chất lượng dịch vụ hậu mãi và trải nghiệm sử dụng lâu dài. Trong khi đó, các thương hiệu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay cả VinFast vẫn đang chiếm lợi thế rõ rệt nhờ mạng lưới rộng khắp và uy tín được xây dựng qua nhiều năm.

Có thể nói, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sàng lọc và chuyển dịch mạnh mẽ. Với các hãng xe Trung Quốc, thử thách lớn nhất không nằm ở giá bán hay công nghệ, mà chính là bài toán về lòng tin người tiêu dùng – một cuộc chiến dài hơi, nơi chỉ những thương hiệu thực sự kiên định và có chiến lược bài bản mới có thể trụ vững và bứt phá.

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Những mẫu xe "Đẻ Trứng Vàng" tiết lộ chiến lược kinh doanh đỉnh cao

Hành trình từ Toyota đến Hyundai và giờ đây là VinFast đã đánh dấu sự mở rộng và khai phá thị trường ô tô tại Việt Nam, thông qua những mẫu xe được ví như "gà đẻ trứng vàng."

BYD đẩy mạnh sản xuất pin xe điện, mục tiêu giảm chi phí

BYD đặt ra mục tiêu giảm 15% chi phí sản xuất pin lưỡi dao (Blade Battery) thế hệ thứ 2, để có thể cạnh tranh với đối thủ CATL.

Lamborghini Gallardo độc nhất Việt Nam của đại gia Hà Nội gây chú ý

Là người khá kín tiếng trên mạng xã hội, nhưng với giới mê xe, không ai là không biết đến đại gia sở hữu chiếc Lamborghini Gallardo Superleggera có thói quen sưu tập xe nhiều hơn là bán này.

Doanh số xe bán tải tháng 9/2024: Mitsubishi Triton tăng mạnh từ thế hệ mới, vẫn khó thắng Ford Ranger

Doanh số Mitsubishi Triton cao hơn 4 lần tháng trước nhờ ra mắt thế hệ mới, nhưng Ford Ranger vẫn là bán tải có lượng tiêu thụ tốt nhất tại Việt Nam.

Soi cận cảnh Xiaomi SU7 tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh 2024

Mẫu xe điện siêu hot Xiaomi SU7 đang được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh 2024, thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông thế giới.

Có thể bạn quan tâm