Ô tô đang đi đột nhiên chết máy, nguyên nhân và cách khắc phục
Thứ Hai, 23/10/2023 - 10:13 - hoangvv
Có nhiều lý do khiến ô tô đang đi tự dưng động cơ lịm đi, chết máy khiến lái xe hoang mang. Dưới đây là những nguyên nhân và cách khắc phục khi không may lâm phải trường hợp này.
Trong quá trình sử dụng ô tô, không hiếm trường hợp xe của chúng ta đang đi trên đường bỗng dưng chết máy đột ngột. Điều này có thể đến từ tình trạng kỹ thuật xe, nhưng cũng có thể do cách xử lý của tài xế.
Xe bỗng dưng chết máy, thậm chí phải nằm đường gây ra mất an toàn, phiền phức cho lái xe và những hành khách. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp)
Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Kiên Phong (Hà Nội) cho rằng, động cơ ô tô, nhất là với ô tô cũ đã sử dụng trên dưới 10 năm có nhiều lỗi dẫn tới xe bị yếu, giật, vòng tua không ổn định, thậm chí nghiêm trọng hơn xe bị chết máy giữa đường.
Theo kỹ sư Kiên, ngoài những lý do liên quan đến thao tác, cách xử lý chân côn, chân ga của tài xế (chủ yếu với xe số sàn), thì có ít nhất 6 lý do chính dẫn đến việc xe ô tô bị dừng động cơ đột ngột khi đang đi trên đường. Và với mỗi nguyên nhân dưới đây lại có những dấu hiệu và cách khắc phục khác nhau.
1. Bô bin đánh lửa và bugi bị trục trặc
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng động cơ bị dừng đột ngột. Hệ thống đánh lửa của ô tô do bô bin và bugi chịu trách nhiệm nếu gặp vấn đề sẽ sinh ra tia lửa sẽ bị yếu hoặc đánh lửa không đúng thời điểm, ảnh hưởng lớn đến quá trình đốt cháy hỗn hợp khí và nhiên liệu, khiến xe hay chết máy.
- Dấu hiệu: Khi bô bin đánh lửa ô tô hay bugi ô tô có vấn đề, xe thường sẽ có các dấu hiệu như động cơ yếu, rung giật, xe thường đề dai, khó nổ và rất hao xăng. Trong trường hợp này, trên bảng đồng hồ của xe thường có đèn 'cá vàng' Check Engine phát sáng.
- Cách khắc phục: Khi thấy xe có những dấu hiệu như trên, nên kiểm tra và vệ sinh bugi và cả hệ thống đánh lửa nói chung. Nếu bô bin, dây cao áp, bugi bị mòn xuống cấp nặng nên thay thế để đảm bảo xe hoạt động tốt. Trong đó, bugi nên được vệ sinh mỗi 20.000km và nên thay mới tối đa sau 100.000km.
Đèn "cá vàng" Check Engine nổi lên có thể là dấu hiệu của nhiều lỗi liên quan đến hệ thống đánh lửa, cần khắc phục ngay.
2. Do nước làm mát
Hệ thống làm mát trục trặc, hỏng hóc cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xe bị xe ô tô bị trục trặc. Nếu không phát hiện sớm, động cơ có thể rơi vào tình trạng quá nhiệt, dễ chết máy giữa đường. Nghiêm trọng hơn, mặt máy có thể bị vênh, bó máy,...
- Dấu hiệu: Khi xe bị lỗi hệ thống làm mát, nhiệt độ động cơ dễ tăng cao. Lúc này, kim đồng hồ báo nhiệt độ nước sẽ tăng cao bất thường, sau đó động cơ ì ạch kèm theo một số tiếng gõ lạ.
- Cách khắc phục: Cần thường xuyên kiểm tra nước làm mát, nếu bị rò rỉ, hao nước mát cần khắc phục ngay. Trường hợp đang đi đường xe bị yếu, chết máy do cạn nước làm mát, lập tức dừng xe ở một vị trí an toàn, mở nắp capo lên và chờ khoảng 20-30 phút cho nguội rồi châm thêm nước làm mát.
Nếu không có nước làm mát thì có thể dùng tạm nước lọc, đợi đến khi nhiệt độ giảm mới tiếp tục hành trình. Trong quá trình di chuyển, cần thường xuyên quan sát nhiệt độ nước làm mát, nếu tiếp tục tăng cao, cần dừng xe lại ngay và có thể nhờ sự hỗ trợ của xe cứu hộ để đưa đến gara.
3. Do dầu nhớt
Ngoài tác dụng chính là bôi trơn và đảm bảo các chi tiết cơ khí hoạt động hiệu quả, dầu nhớt động cơ ô tô còn có công dụng làm mát. Xe bị thiếu dầu, rò rỉ dầu hay sử dụng dầu phẩm cấp kém, bị biến chất,… dễ khiến động cơ bị quá nhiệt, có thể khiến ô tô đang đi bị chết máy.
- Dấu hiệu: Xe đi có cảm giác ì, không bốc và có tiếng động cơ lớn bất thường. Có thể phát hiện lỗi này thông qua đèn cảnh báo áp suất dầu động cơ trên cụm đồng hồ trung tâm. Ngoài ra, nếu quan sát kỹ có thể thấy xe bị chảy dầu dưới gầm, trong khoang máy hoặc xe bị hao dầu bất thường, một số trường hợp còn có thể có mùi khét.
- Cách khắc phục: Tương tự xe bị hết nước làm mát, khi xác định xe cạn dầu nhớt thì nên đỗ xe và đợi đến khi máy nguội rồi bổ sung thêm dầu nhớt. Trường hợp không có sẵn dầu, nên đưa xe đến gara để kiểm tra lượng dầu và bổ sung, thay thế ngay lập tức. Đồng thời về lâu dài cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc hao dầu nếu có để đảm bảo an toàn trên đường.
Khi có loại đèn này xuất hiện trên đồng hồ taplo, cần kiểm tra ngay mực dầu để tránh việc xe bị "nằm đường".
4. Bơm nhiên liệu bị hỏng
Bơm xăng (xe máy xăng) và bơm cao áp dầu (xe máy dầu) là bộ phận chịu trách nhiệm bơm nhiên liệu qua vòi phun để đi vào buồng đốt, thực hiện quá trình đốt cháy sinh công. Bộ phận này thường khá bền nhưng khi bị trục trặc, xe sẽ không thể hoạt động được, gây chết máy ngay cả khi đang đi trên đường một cách bình thường.
- Dấu hiệu: Bơm nhiên liệu bị trục trặc thường xảy ra bất thình lình và khó phát hiện. Khi đi đường, xe bị lịm máy đi và chân ga mất tác dụng. Những trường hợp này, hầu hết sẽ không thể khởi động lại được.
- Cách khắc phục: Khi bị hỏng bơm xăng/bơm cao áp, cách khắc phục duy nhất là đưa xe đến gara để kiểm tra và thay bơm nhiên liệu mới.
5. Lọc nhiên liệu bị tắc
Để đảm bảo nhiên liệu được sạch nhất, trước khi nhiên liệu đi vào động cơ sẽ phải đi qua bộ phận lọc nhiên liệu để loại bỏ hết các tạp chất, cặn bẩn… Vì thế, theo thời gian lọc nhiên liệu này cũng dễ bị bám bẩn dẫn đến tắc nghẽn khiến nhiên liệu không thể đi vào động cơ, dẫn đến xe bị chết máy đột ngột, nhất là xe ô tô đang chạy tự nhiên tắt máy.
- Dấu hiệu: Động cơ bị nóng, xe chạy ì không bốc, giật khi giảm ga và dễ chết máy khi tăng ga.
- Cách khắc phục: Nên kiểm tra và thay lọc nhiên liệu thường xuyên. Thông thường với 2 lần thay dầu nhớt thì nên thay lọc xăng 1 lần (từ 10.000-15.000 km).
6. Kim phun bị tắc
Kim phun chịu trách nhiệm phun nhiên liệu vào buồng đốt để thực hiện quá trình đốt cháy của động cơ. Dù nhiên liệu được lọc sạch trước khi đi vào kim phun nhưng sau thời gian dài hoạt động kim phun vẫn sẽ bị bám cặn bẩn. Nếu lâu ngày không được vệ sinh sẽ gây tình trạng nhiên liệu phun ra không "tơi", thậm chí tắc nghẽn.
- Dấu hiệu: Xe đi bị giật, vòng tua không ổn định, máy yếu và có thể chết máy bất thình lình. Với xe số sàn, khi đạp côn vào số vòng tua bị giảm mạnh, dễ chết máy. Xe đi rất hao nhiên liệu.
- Cách khắc phục: Khi thấy có hiện tượng này, đưa xe đến gara để xúc rửa, vệ sinh kim phun. Trong trường hợp kim phun đã quá kém, hoặc quá cũ, nên thay bộ kim phun mới. Kim phun nên được vệ sinh định kỳ sau khoảng 20.000 km vận hành.
Dù với nguyên nhân nào, việc ô tô bị chết máy đột ngột cũng khiến những chủ xe không khỏi "đau đầu" khắc phục. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp)
Ngoài 6 nguyên nhân chính ở trên, kỹ sư Dương Trung Kiên còn chỉ ra một số bộ phận nữa khi bị trục trặc cũng có thể dẫn đến việc động cơ hoạt động không ổn định, gây ra hiện tượng rung giật, chết máy giữa đường như: Van điều áp, van không tải bị lỗi; các cảm biến không khí, cảm biến ô xy bị lỗi; hoặc cũng có thể do lọc gió quá bẩn,...
Để hạn chế tối đa những rủi ro nói trên, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên tới các chủ xe luôn kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các bộ phận theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời trước mỗi chuyến đi nên kiểm tra nước làm mát, dầu máy,... để yên tâm hơn trên đường.
Hoàng Hiệp (ghi)
Bài liên quan
Tin cũ hơn
Hướng dẫn tự thay lốp dự phòng ô tô đơn giản, ai cũng có thể làm được
Cần lưu ý những gì khi mua bơm lốp ô tô
Khi nào cần vệ sinh khoang máy ô tô?
Nắng gắt, gầm xe ô tô chảy nhiều nước thành vũng có đáng lo
Bí quyết giữ lớp phủ Ceramic bền đẹp: Hướng dẫn từ chuyên gia
Có thể bạn quan tâm
-
8 phương pháp giúp lốp ô tô của bạn chạy bền hơnSử dụng lốp xe đúng cách không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của chúng mà còn góp phần tiết kiệm chi phí vận hành cho xe.
-
Lái xe tốc độ cao tuyệt đối không nên làm những điều sauKhi di chuyển ở tốc độ cao, tài xế có thể đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ, đòi hỏi khả năng phản xạ nhanh và kiểm soát xe tốt. Vì vậy, việc tuân thủ các kỹ thuật lái xe an toàn là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo hành trình an toàn.
-
Hướng dẫn chi tiết cách khắc phục tạm thời rò rỉ ống dẫn nước làm mát trên xe ô tôHãy hình dung nếu hệ thống làm mát động cơ gặp sự cố và ống dẫn nước làm mát bị rò rỉ. Tình trạng này có thể dẫn đến những hư hỏng nghiêm trọng khi bạn di chuyển trên quãng đường dài. Nếu không được xử lý kịp thời, xe có thể hết nước làm mát, gây tổn hại nghiêm trọng cho động cơ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ các biện pháp khắc phục tạm thời để bạn có thể xử lý tình huống này một cách hiệu quả.
-
Hậu quả nghiêm trọng khi ô tô thiếu nước làm mátNước làm mát đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống vận hành của ô tô, nhưng lại thường bị người dùng bỏ qua trong quá trình bảo dưỡng.
-
Bí quyết xử lý vết xước La-zăng tại nhà đơn giản nhưng hiệu quảBất kỳ vết bẩn hay vết xước nào trên thân xe đều có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và làm giảm vẻ đẹp của xe, ngay cả khi vết xước đó nằm ở nơi ít người quan tâm, đó là la-zăng.