Hybrid cắm sạc hay xe điện thuần: Đâu là lựa chọn tối ưu cho bạn năm 2025?

Thứ Hai, 02/06/2025 - 12:07 - tienkm

Xe hybrid cắm sạc (PHEV) và ô tô điện thuần (BEV) về bản chất đều phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc để đảm bảo hiệu suất vận hành tối ưu và duy trì khả năng di chuyển ổn định trong quá trình sử dụng.

Nếu có khả năng sạc pin, lựa chọn xe thuần điện rất có lợi.

Lựa chọn giữa BEV, PHEV hay HEV: Câu chuyện không chỉ là công nghệ, mà là sự phù hợp với chính bạn

Nhà báo Hoàng Linh người có nhiều năm trải nghiệm các dòng xe điện và hybrid chia sẻ rằng việc lựa chọn loại xe phù hợp không đơn thuần dựa trên xu hướng, mà phải căn cứ vào thói quen di chuyển và khả năng làm chủ hành trình hàng ngày. Theo anh, nếu người dùng có thể kiểm soát được phạm vi hoạt động, chủ động về lịch trình, địa điểm sạc và không còn phụ thuộc vào động cơ đốt trong thì việc chọn một chiếc xe thuần điện (BEV) là lựa chọn tối ưu, cả về chi phí vận hành lẫn trải nghiệm công nghệ sạch.

Trong khi đó, xe plug-in hybrid (PHEV) lại được xem như một giải pháp “đệm” cho những người muốn làm quen với cảm giác lái xe điện nhưng vẫn còn lăn tăn về hạ tầng sạc hoặc khả năng cạn pin giữa hành trình dài. Tuy nhiên, Hoàng Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận: thị trường hiện tại vẫn chưa có nhiều mẫu PHEV hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn như mức giá hợp lý, giá trị thương hiệu và tính toàn diện trong vận hành. Ngược lại, dòng BEV đang dần trở nên phong phú, đặc biệt ở phân khúc phổ thông đến cao cấp.

Chia sẻ trải nghiệm thực tế, nhà báo Hoàng Linh kể lại rằng trong những chuyến đi kết hợp cả xe xăng và xe điện, khi đến một thành phố mới, những người đi xe xăng có thể thư thả nghĩ đến việc ăn gì, chơi ở đâu. Trong khi đó, người dùng xe điện lại phải tính toán đến việc sạc pin ở đâu, mất bao lâu, và sáng hôm sau liệu xe có đủ điện để tiếp tục hành trình. "Điều này cho thấy rõ: việc chọn xe còn phụ thuộc vào nhu cầu, hành trình và thói quen sinh hoạt của mỗi người," anh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn học thuật và kỹ thuật, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc Giám đốc chương trình đào tạo Kỹ thuật Ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra quan điểm mang tính định hướng thực tế: nếu bạn không có điều kiện sạc điện thường xuyên thì tốt nhất đừng nghĩ đến việc sở hữu PHEV hay BEV, mà nên cân nhắc xe hybrid (HEV) truyền thống. Đây là giải pháp không cần sạc ngoài, không làm thay đổi thói quen sử dụng nhiều nhưng vẫn đóng góp tích cực vào việc giảm phát thải.

Ông cũng bổ sung: “Nếu bạn là người muốn lái xe điện nhiều hơn nhưng lại không muốn thay đổi quá nhiều trong thói quen sinh hoạt PHEV là lựa chọn phù hợp. Còn nếu bạn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận những thay đổi về cách sử dụng xe hàng ngày để theo đuổi trải nghiệm điện hóa trọn vẹn thì khi đó, BEV mới là chiếc xe dành cho bạn."

Xe chạy thuần điện càng nhiều, giá trị pin càng lớn

Bên cạnh các yếu tố cơ bản như nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính hay trải nghiệm công nghệ, một bộ phận không nhỏ khách hàng tại Việt Nam còn rất quan tâm đến khả năng giữ giá khi bán lại xe sau vài năm sử dụng. Đây là tâm lý phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xe cũ đang phát triển mạnh và người tiêu dùng ngày càng cân nhắc kỹ về tính khấu hao tài sản.

Tuy nhiên, theo nhà báo Hoàng Linh một chuyên gia theo dõi sâu sát xu hướng xe điện tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể hoặc thống kê toàn diện nào cho thấy mức độ mất giá chính xác của các dòng xe điện hoá (bao gồm HEV, PHEV, BEV). Nguyên nhân là do thị trường xe đã qua sử dụng cho các dòng xe điện hóa vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, lượng giao dịch chưa nhiều và hành vi người dùng vẫn đang trong quá trình định hình.

Dẫu vậy, một thực tế khó phủ nhận là: càng có mức độ điện hóa cao, xe càng có xu hướng khấu hao giá trị nhanh hơn. Theo ông Hoàng Linh, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó pin và hệ thống mô-tơ điện là hai thành phần chính chịu sự tiêu hao theo thời gian. Thêm vào đó, tốc độ phát triển công nghệ nền tảng của xe điện hiện nay cực kỳ nhanh, dẫn đến việc các mẫu xe thế hệ trước có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời, không chỉ về công nghệ mà còn về khả năng tương thích hệ sinh thái sạc, phần mềm điều khiển và các tính năng thông minh khác.

“Khác với xe xăng, khi mua xe chạy xăng sau 5 năm, về mặt nền tảng kỹ thuật gần như không có sự thay đổi quá lớn – chủ yếu chỉ nâng cấp về vật liệu, tiện nghi hay vài tính năng điện tử. Nhưng với xe điện, chỉ sau 2-3 năm đã có thể xuất hiện một nền tảng pin hoàn toàn mới, mô-tơ hiệu suất cao hơn hay hệ thống quản lý năng lượng hiện đại hơn, khiến thế hệ trước trở nên lỗi thời nhanh chóng,” ông Hoàng Linh nhấn mạnh.

Bàn sâu hơn về tuổi thọ pin yếu tố then chốt ảnh hưởng đến giá trị xe điện hóa sau thời gian sử dụng – PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô  Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: hầu hết các hãng xe hiện nay công bố tuổi thọ của pin ở mức khoảng 10 năm, tùy thuộc vào điều kiện vận hành thực tế.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, điều quan trọng không nằm ở con số tuổi thọ công bố, mà ở cách người dùng tuân thủ khuyến cáo kỹ thuật của nhà sản xuất. “Nếu người sử dụng vận hành đúng hướng dẫn  từ cách sạc, bảo quản pin, đến điều kiện sử dụng xe thì tuổi thọ pin hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt con số 10 năm một cách an toàn. Ngược lại, nếu vi phạm các quy trình vận hành, như sạc sai cách, thường xuyên để pin cạn kiệt hoặc lưu trữ trong điều kiện không phù hợp, thì việc giảm tuổi thọ pin là điều dễ hiểu.”

Ông Phúc cũng nhấn mạnh: “Đối với các mẫu BEV xe thuần điện pin chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xe. Do đó, nếu pin xuống cấp hoặc mất hiệu suất, việc định giá lại xe khi chuyển nhượng sẽ bị ảnh hưởng rất rõ rệt.”

Bài liên quan

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu xe Vinfast

Vinfast không chỉ là một thương hiệu ô tô Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và khát vọng chinh phục.

Ô tô có tính năng dừng xe tạm tắt máy, người dùng cần chú ý đến bộ phận này

Công nghệ ngắt động cơ tạm thời (dừng xe tạm tắt máy) giúp xe không nổ máy khi dừng nhưng vẫn sẽ duy trì các thiết bị điện khác. Điều này khiến tuổi thọ ắc quy giảm nhanh.

Các đời xe Ford Ranger: lịch sử hình thành, các thế hệ

Ford Ranger được coi là "vua bán tải" tại Việt Nam với gần 50% thị phần toàn phân khúc. Mẫu xe ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng với doanh số đứng đầu.

Các đời xe Mitsubishi Attrage: lịch sử hình thành, các thế hệ

Mitsubishi Attrage là mẫu sedan phân khúc hạng B của thương hiệu Nhật Bản. Attrage được bán ở khoảng 60 quốc gia trên thế giới, định hướng là dòng xe 4 chỗ giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu.

Lịch sử hình thành và phát triển hãng xe ô tô Subaru

Subaru là một thương hiệu mang dấu ấn rất riêng, với phong cách độc đáo và những giá trị cốt lõi không thể nhầm lẫn. Subaru luôn đặc biệt chú trọng đến yếu tố an toàn, một trong những yếu tố then chốt giúp hãng xây dựng danh tiếng vững chắc.

Có thể bạn quan tâm