Không chỉ lắp ráp, Việt Nam còn làm chủ phần mềm điều khiển ô tô
Thứ Năm, 15/05/2025 - 12:40 - tienkm
Phần mềm ô tô do các công ty Việt Nam sản xuất đã được ứng dụng rộng rãi.
Ngày 21/3/2025, Subaru Nhật Bản chính thức công bố việc đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài 2 năm với FPT Automotive – công ty phần mềm chuyên ngành ô tô có trụ sở tại Dallas, bang Texas (Hoa Kỳ), trực thuộc Tập đoàn FPT Việt Nam. Dù giá trị hợp đồng không được tiết lộ, nhưng đây được xem là bước đi quan trọng trong chiến lược số hóa và nâng cao năng lực phần mềm ô tô của Subaru trong kỷ nguyên xe thông minh.
Theo thông tin từ Subaru, mối quan hệ hợp tác này không chỉ dừng ở việc phát triển phần mềm mà còn hướng đến việc mở rộng trao đổi chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như công nghệ tự hành, hệ thống an toàn thế hệ mới và tích hợp phần mềm điều khiển phương tiện những thành phần cốt lõi trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại.
FPT Automotive được thành lập cuối năm 2023 tại Mỹ với định hướng rõ ràng: trở thành nhà cung ứng giải pháp phần mềm ô tô cho các hãng xe toàn cầu. Sau một thập kỷ tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm ô tô, FPT Automotive hiện sở hữu đội ngũ hơn 4.000 kỹ sư và chuyên gia, phục vụ khoảng 150 khách hàng là các thương hiệu ô tô lớn như Mercedes-Benz, BMW, Renault, Toyota, Honda, Nissan, Suzuki, Hyundai, Volvo và Ford.
Đáng chú ý, VinFast – thương hiệu xe điện Việt Nam đang phát triển nhanh trên thị trường quốc tế – cũng đang lựa chọn FPT Automotive là một trong những đối tác chiến lược trong lĩnh vực phần mềm điều khiển cho xe điện.
Thiết kế mọi bộ phận trên ô tô
FPT Automotive hiện đang đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ ô tô toàn cầu khi cung cấp một loạt giải pháp phần mềm cốt lõi cho các hãng xe. Các mảng dịch vụ chủ lực bao gồm: hệ thống thông tin - giải trí trên xe (infotainment), quản lý dữ liệu nội bộ (in-vehicle information), bộ điều khiển điện tử ECU, các chức năng an toàn - an ninh, kết nối số (digital & wireless connectivity), cũng như thiết kế giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) cho các hệ thống trong xe.
Trọng tâm trong chiến lược sản phẩm của FPT Automotive là các nền tảng phần mềm mang tính đột phá như MaaZ (Mobility as a Zone) và AUTOSAR – những công nghệ chủ chốt trong phát triển giải pháp ECU dạng “chìa khóa trao tay” (turn-key ECU solution). Đây là lĩnh vực mà FPT đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể khi hợp tác với hàng loạt đối tác tên tuổi trong ngành.
Ông Đỗ Cao Bảo – thành viên Hội đồng quản trị FPT – chia sẻ một ví dụ gần gũi nhưng thể hiện vai trò không thể thiếu của phần mềm trên xe hiện đại: “Khi bạn lùi xe, những vạch màu xanh, vàng, đỏ hiển thị trên màn hình sẽ giúp bạn căn chỉnh chính xác vị trí, cảnh báo khoảng cách với vật cản từ nhiều phía bằng cả hình ảnh và âm thanh. Khi phanh xe, khi giải trí, nghe nhạc hay thao tác với màn hình điều khiển trung tâm – tất cả đều được điều phối bởi phần mềm. Thậm chí các thông tin hiển thị trên cụm đồng hồ như tốc độ, mức nhiên liệu, áp suất lốp, hay cảnh báo lỗi kỹ thuật – đều do phần mềm của FPT đảm nhiệm."
Ngoài FPT Automotive, Việt Nam còn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực phát triển phần mềm ô tô. Một ví dụ tiêu biểu là Nissan Automotive Technology Việt Nam – công ty con của Nissan Nhật Bản – hiện có khoảng 2.700 kỹ sư đang làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đội ngũ này chịu trách nhiệm thiết kế chi tiết hầu hết các bộ phận trong ô tô, từ nội thất, ngoại thất cho đến kết cấu kỹ thuật, theo đơn đặt hàng trực tiếp từ tập đoàn mẹ tại Nhật Bản.
Dịch vụ "may đo" riêng cho từng hãng xe
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội), ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng “software-defined vehicle” – hay còn gọi là “xe định nghĩa bằng phần mềm”. Đây là giai đoạn mà vai trò của phần mềm trong ô tô đã vượt xa chức năng hỗ trợ, trở thành yếu tố trung tâm trong việc vận hành, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tạo lợi thế cạnh tranh giữa các hãng xe, đặc biệt là với dòng xe điện.
Khác với thế hệ xe truyền thống, các mẫu ô tô hiện đại – đặc biệt là xe điện – được cập nhật phần mềm liên tục qua OTA (Over-the-Air). Điều này giúp các tính năng thông minh giữa xe mới và xe cũ có thể ngang bằng nhau theo thời gian, thậm chí nhiều lỗi phần cứng cũng được “vá” thông qua bản cập nhật phần mềm mà không cần can thiệp vật lý.
“Khi nói về ô tô trong tương lai, ngoài động cơ và pin, chúng ta sẽ còn phải nhắc đến RAM, chip xử lý, cấu hình vi xử lý – tương tự như khi mô tả một chiếc smartphone hay máy tính,” ông Phúc nhận định, khẳng định xu hướng điện tử hóa và số hóa sâu rộng trong công nghiệp ô tô.
Ở góc nhìn kỹ thuật, kỹ sư Lê Hùng cho rằng việc hiểu phần mềm ô tô đơn thuần là hệ điều hành cài đặt trên ECU là chưa đủ. Hệ sinh thái phần mềm ô tô bao gồm cả ứng dụng trên smartphone người dùng, phần mềm quản trị của đại lý, phần mềm cho trung tâm dịch vụ và nhiều lớp điều khiển khác. Điểm mấu chốt là toàn bộ chuỗi phần mềm này phải vận hành trơn tru, liền mạch và theo thời gian thực.
Anh Hùng lấy ví dụ cụ thể: việc hiển thị dung lượng pin còn lại trên xe điện, xác định và điều hướng đến trạm sạc gần nhất qua bản đồ trên ứng dụng điện thoại – tất cả đều là một phần của phần mềm ô tô, được cung cấp kèm theo khi bán xe. "Đây là xu thế không thể đảo ngược – mỗi chiếc xe giờ đây phải có app, và toàn bộ trải nghiệm người dùng sẽ xoay quanh nền tảng số này," anh nhận định.
Một đặc trưng quan trọng của ngành phần mềm ô tô là tính “may đo” – tức mỗi hãng xe đều có xu hướng phát triển phần mềm nội bộ, nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi dữ liệu, giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài. Dù về nguyên lý hoạt động các phần mềm tương đối giống nhau, nhưng kiến trúc, ngôn ngữ và hệ thống vận hành đều được tùy biến sâu theo từng hãng.
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Spherical (Ấn Độ), ngành công nghiệp phần mềm ô tô tại Việt Nam hiện có quy mô ước tính khoảng 1 tỷ USD và được dự báo tăng trưởng ở mức 30% mỗi năm – một tốc độ tăng trưởng rất cao so với nhiều lĩnh vực công nghệ khác.
Gần đây, FPT Automotive – một trong những đơn vị tiên phong trong mảng phần mềm ô tô tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các giải pháp phần mềm cho Nippon Seiki, tập đoàn đang dẫn đầu thị phần toàn cầu về cụm đồng hồ (meter cluster) và màn hình hiển thị kính lái (HUD) cho ô tô và xe máy. Đây là bước tiến chiến lược giúp Việt Nam khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp ô tô số.
Trước nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao, theo ước tính của Khoa Kỹ thuật Máy tính – Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần ít nhất 30.000 kỹ sư và lập trình viên chuyên sâu trong lĩnh vực phần mềm ô tô.
Nhằm chuẩn bị lực lượng kỹ sư đáp ứng yêu cầu này, các chương trình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường đã bắt đầu được triển khai. Tiêu biểu là chương trình “Kỹ sư công nghệ ô tô số” (Digital Automotive Engineering Program) do FPT Automotive phối hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học FPT phát triển. Đây là chương trình đào tạo hệ kỹ sư sau đại học kéo dài 1,5 năm, tập trung vào các mảng chuyên môn then chốt như phần mềm nhúng, cơ điện tử ô tô, công nghệ tự hành và tích hợp hệ thống – giúp học viên tiếp cận sát thực tế nhu cầu của các hãng xe toàn cầu.
Tin cũ hơn
Chương trình khuyến mãi của Toyota trong tháng 6/2024
Giá xe Ford Everest tháng 11/2023: Thấp nhất dưới 1 tỷ đồng
Top 10 xe bán chạy quý 1 năm 2024: Ford Ranger dẫn đầu
Giá xe Ford tháng 1/2024: Transit giảm 30 triệu đồng
Doanh số phân khúc SUV hạng A tháng 5/2024: Toyota Raize chiếm đỉnh bảng
Có thể bạn quan tâm
-
Mua Bentley 26 tỷ chính hãng, chủ xe chấp nhận lỗ 10 tỷ sau 4.000 kmDù là phiên bản cá nhân hóa Mulliner đầu tiên được nhập khẩu chính hãng về Việt Nam, chiếc Bentley Continental GT siêu sang vẫn ghi nhận mức khấu hao lên tới 10 tỷ đồng chỉ sau gần 3 năm sử dụng. Khoản lỗ đáng kể này phản ánh thực tế khắt khe của thị trường xe siêu sang tại Việt Nam, nơi giá trị tài sản có thể sụt giảm nhanh chóng bất chấp yếu tố độc bản hay số kilomet sử dụng cực thấp.
-
Vì lo ngại an toàn, Tesla bị loại khỏi triển lãm ôtôCanada - Thương hiệu xe điện Mỹ bị gạch tên khỏi danh sách tham dự triển lãm ôtô quốc tế Vancouver do lo ngại về vấn đề an toàn.
-
Top 5 xe MPV bán chạy tháng 1/2025: Doanh số tụt thảm, Hyundai bị KIA đá văngDoanh số bán hàng của phân khúc xe MPV trong tháng 1/2025 cũng không thoát khỏi cảnh sụt giảm chung của toàn thị trường. Mitsubishi Xpander vẫn chưa tìm được đối thủ xứng tầm.
-
Xe hybrid Toyota khan hiếm toàn cầu vì thiếu linh kiệnCác linh kiện sản xuất ôtô hybrid đều không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến khách hàng muốn mua xe phải chờ nhiều tháng, thậm chí gần một năm.
-
Chery tấn công phân khúc xe nhỏ: Tham vọng lớn, sản phẩm đa dạngVới chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, Chery lên kế hoạch tung ra hàng loạt mẫu xe cỡ nhỏ trải rộng trên toàn bộ các thương hiệu xuất khẩu của hãng, bao gồm Chery, Omoda, Jaecoo và Lepas.