Bê bối lan rộng, dừng giao xe toàn cầu
Tới thời điểm hiện tại, các sai phạm trong quá trình thử nghiệm an toàn sản phẩm của Daihatsu trước khi đưa xe vào sản xuất thương mại đã ngày càng rõ ràng và lan rộng.
Các sai phạm này được phát hiện sau cuộc điều tra kéo dài 6 tháng của uỷ ban kiểm tra độc lập do chính tập đoàn Toyota Nhật Bản yêu cầu, sau khi có những thông tin liên quan đến thử nghiệm an toàn của một số mẫu xe Daihatsu được bán dưới thương hiệu otaToy hồi tháng 4/2023.
Reuters cho biết, đến nay, Daihatsu - công ty con của Toyota sẽ tạm dừng giao tất cả các loại xe, sau khi một cuộc điều tra vụ bê bối an toàn phát hiện ra các vấn đề liên quan đến 64 mẫu xe. Trong đó, có nhiều mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota.
Trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng xuất hiện Việt Nam, với mẫu xe Avanza. Ghi nhận từ một số đại lý Toyota tại Hà Nội, Toyota Việt Nam (TMV) cũng đã có những động thái nhanh chóng đầu tiên liên quan đến vấn đề này.
Nhân viên kinh doanh đại lý Toyota Hà Đông cho biết, đại lý đã nhận được thông báo từ hãng về việc dừng giao xe Avanza MT. Tương tự, nhân viên đại lý Toyota Long Biên cho biết cũng nhận được thông báo này.
Nhân viên Toyota Hà Đông còn cho biết thêm, theo thông báo, Việt Nam chỉ có một sản phẩm duy nhất bị ảnh hưởng là Avanza MT (số sàn), còn các sản phẩm liên quan đến Daihatsu khác, TMV không bị ảnh hưởng bởi kết luận điều tra trên.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Toyota Việt Nam cho biết hãng sẽ sớm có thông báo chính thức về các sản phẩm liên quan đến Daihatsu, hiện đang được TMV sản xuất, lắp ráp và nhận khẩu.
Nhiều quốc gia thuộc diện ảnh hưởng
Theo tìm hiểu, sau cuộc điều tra do chính Toyota yêu cầu sau khi vào tháng 4, thương hiệu Daihatsu đã gian lận trong các cuộc kiểm tra an toàn va chạm bên hông đối với 88.000 chiếc xe cỡ nhỏ, hầu hết được bán dưới tên Toyota.
Các vấn đề mới nhất cũng ảnh hưởng đến một số mẫu xe Mazda và Subaru ở Nhật Bản cũng như các mẫu xe Toyota và Daihatsu ở nước ngoài.
Toyota cho biết các mẫu xe bị ảnh hưởng dành cho thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cũng như các nước Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay.
Toyota cho biết, "cải cách cơ bản" là cần thiết để vực dậy Daihatsu, cũng như xem xét lại các hoạt động chứng nhận an toàn. Đồng thời, hãng cũng cho biết trong một tuyên bố: "Đây sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Nó không chỉ yêu cầu xem xét lại hoạt động quản lý và kinh doanh mà còn phải xem xét lại tổ chức và cơ cấu".
Hôm nay, cổ phiếu của Toyota Motor đã giảm hơn 4% sau khi đơn bê bối được công bố và Daihatsu cho biết sẽ dừng giao xe trên toàn cầu. Nikkei đưa tin Bộ Giao thông Nhật Bản đang xem xét các hình phạt hành chính với Daihatsu, bao gồm cả việc thu hồi chứng nhận sản xuất tuỳ theo cuộc điều tra.
Thêm những bê bối vừa được phát hiện
Cuộc điều tra cho thấy, bộ phận điều khiển túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm túi khí cho một số mẫu xe khác với bộ phận được sử dụng trên bản thương mại, bao gồm các mẫu Town Ace và Pixis Joy của Toyota và Mazda Bongo.
Toyota cho biết họ chưa nhận được thông tin về vụ tai nạn nào liên quan đến vấn đề này. Họ cho biết các cuộc thử nghiệm va chạm bên hông của hai mẫu xe có thể không tuân thủ luật pháp, ngay cả quá trình xác minh đã công bố rằng túi khí đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho hành khách.
Các giám đốc điều hành của Daihatsu phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các chuyến hàng ra nước ngoài sẽ bị tạm dừng cho đến khi các cơ quan quản lý cho phép bán xe trở lại.
Chủ tịch Daihatsu, Soichiro Okudaira cho biết: "Tình hình cực kỳ nghiêm trọng", đồng thời cho biết thêm rằng mọi giấy phép pháp lý mà nhà sản xuất ô tô nhận được thông qua các biện pháp gian lận đều có thể bị thu hồi.
Bê bối mới cũng bao gồm các báo cáo sai về những bài kiểm tra tác động của tựa đầu và tốc độ kiểm tra đối với một số mẫu xe. Cuộc điều tra cho thấy các trường hợp đặc biệt phổ biến sau năm 2014 và đối với một mẫu xe Daihatsu đã ngừng sản xuất, hành vi này đã xảy ra từ năm 1989.