Đất hiếm cho ngành ô tô của Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng khó làm chủ

Thứ Bảy, 21/10/2023 - 15:29

Với trữ lượng lớn thứ hai thế giới, đất hiếm tại Việt Nam không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là điều kiện trao đổi công nghệ cao trong nhiều ngành, trong đó có ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Trữ lượng lớn chỉ sau Trung Quốc

Việt Nam có nguồn đất hiếm lớn thứ hai thế giới. Nguồn: AFP.

Đất hiếm (tên tiếng Anh: Rare-earth element) là tên gọi chung của một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, bao gồm: Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Mặc dù các nguyên tố kể trên không phải dạng hiếm trên thế giới, nhưng lại có rất ít nơi tích trữ nhiều loại nguyên tố cùng lúc và có trữ lượng đủ lớn để khai thác có hiệu quả.

Ngày nay, đất hiếm là tài nguyên quý tạo nên nhiều nguyên liệu quan trọng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như: đồ điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, chất xúc tác, quang điện, thiết bị y tế… Trong đó, những ngành, lĩnh vực sử dụng các loại nguyên tố này nhiều nhất phải kể đến là ô tô, xe máy điện, điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở nước ta có khoảng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc (khoảng 44 triệu tấn). Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác như: Brazil có khoảng gần 22 triệu tấn, Nga có khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng gần 7 triệu tấn…

Tại Việt Nam, các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn đều tập trung ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Trong đó, mỏ Nậm Xê (Lai Châu) có diện tích 125,98 km2, trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn; mỏ Đông Pao (Lai Châu) diện tích 53,99 km2, trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn; mỏ Mường Hum (Lào Cai) diện tích 26,84 km2, chưa có số liệu cụ thể; mỏ Yên Phú (Yên Bái) có trữ lượng ước tính khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, còn một số mỏ đất hiếm với trữ lượng thấp hơn nhưng có nhiều tiềm năng khai thác như mỏ Kỳ Ninh (Hà Tĩnh), mỏ Kẻ Sung (Thừa Thiên - Huế), mỏ Cát Khánh (Bình Định), mỏ Hàm Tân (Bình Thuận).

Đất hiếm gồm nhiều loại nguyên tố quan trọng trong sản xuất pin, động cơ xe điện. Ảnh minh họa: Internet.

Đối với các nguyên liệu cấu thành pin lithium trên các dòng xe điện hiện nay, lithium là một trong các nguyên liệu chính để làm điện cực âm. Nguyên liệu này có nhiều tại mỏ La Vi (Quảng Ngãi) với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn quặng, đứng thứ 4 thế giới.

Ngoài lithium, các dòng xe điện, bao gồm cả xe thuần điện và các dòng xe hybrid còn phụ thuộc nhiều vào các nguyên tố đất hiếm. Trong đó, Cerium (Ce) dùng để làm bộ chuyển đổi xúc tác, một thiết bị trong hệ thống kiểm soát khí thải. Nam châm vĩnh cửu trên mô-tơ điện được cấu thành từ các nguyên tố như Dysprosium (Dy), Neodymium (Nd) và Samarium (Sm). Bên cạnh đó, Gadolinium (Gd) là nguyên liệu quan trọng trong cả động cơ điện và pin xe điện.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm kể từ năm 2014. Tuy nhiên, việc khai thác mới chỉ dừng lại ở việc phân tách đơn giản, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng quặng thô, giá thành không cao. Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có công nghệ chế biến sâu đối với các loại nguyên tố này. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên tố đất hiếm có tính phóng xạ cao, độc hại, nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, không có công nghệ hỗ trợ sẽ có thể hủy hoại môi trường trên diện rộng. Do đó, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, dù có mỏ quặng nhưng chưa đi sâu khai thác đất hiếm.

Cơ hội chuyển giao công nghệ cao

Mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu). Ảnh: Reuters.

Dù khai thác đất hiếm là một hoạt động tiêu tốn nhiều tiền của và những đánh đổi về môi trường, nhưng đây cũng là cơ hội tốt cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp ô tô nói riêng nếu biết cách tận dụng thế mạnh do đất hiếm đem lại.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, “ván bài” đặt cược vào ô tô điện đã và đang đem lại sự phát triển vượt bậc cho ngành công nghiệp của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân. Trong đó, đất hiếm được ví như những “viên gạch” xây nên những cấu kiện quan trọng nhất của một chiếc xe như pin, động cơ điện. Bên cạnh đó, với vị thế là công xưởng của thế giới, Trung Quốc có sức mạnh cạnh tranh lớn với hàng trăm công ty công nghệ, nhà sản xuất cùng lao vào cuộc đua xe điện.

Không chỉ có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, Trung Quốc còn đang chiếm gần 89% công suất phân tách, 90% công suất lọc đất hiếm toàn cầu. Theo Nikkei Asia, để tăng cường khả năng kiểm soát đất hiếm, từ cuối năm 2021, Trung Quốc đã tái cơ cấu, sáp nhập 3 nhà sản xuất đất hiếm trở thành một công ty nhà nước. Công ty này chiếm gần 70% hạn ngạch sản xuất đất hiếm nội địa của Trung Quốc. Như vậy, quốc gia này đang nắm giữ chuỗi cung ứng đất hiếm trên toàn cầu.

Thời điểm trước năm 2018, Mỹ đã phải chuyển giao một số công nghệ, linh kiện bán dẫn và chip điện tử cho Trung Quốc, bù lại sẽ được nhập khẩu đất hiếm đã qua phân tách, sàng lọc với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Mỹ đã dần hạn chế hoạt động này; ngược lại, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Theo đó, để dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, Mỹ, các quốc gia đồng minh và một số cường quốc châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm những thị trường đất hiếm mới. Việt Nam, với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới đã được các quốc gia nhắm đến để hợp tác đầu tư.

Cuối năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận nâng hạn mức xuất khẩu đất hiếm từ 1.000 tấn/năm lên mức 2.000 tấn/năm. Tháng 6/2023, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ thiết lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác. Về bản chất, đây là hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hàn Quốc bán công nghệ để đổi lấy khoáng sản. Việt Nam vừa có được công nghệ mới, vừa có cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc như Hyundai, Kia

Dĩ nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm cần phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia và bảo vệ ngu tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Khi việc chuyển giao công nghệ được hoàn thành, Việt Nam có thể tiến tới hoạt động phân tách, sàng lọc đất hiếm để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cung ứng cho thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Ngày 18/7/2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn từ 2021-2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Trong đó, 2 mỏ quặng được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (Yên Bái) và mỏ Đông Pao (Lai Châu).

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái. Giai đoạn từ 2031 - 2050 sẽ tiếp tục thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã được cấp phép khai thác và thăm dò mới từ 1 - 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai. Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến sẽ gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Chia sẻ

Tin cũ hơn

Toyota Land Cruiser LC300 hầm hố với gói độ từ Liberty Walk

LB-Works Land Cruiser 300 là phiên bản nâng cấp mới nhất của hãng độ đình đám đến từ Nhật Bản với mức giá lên đến 20.000 USD.

Honda Civic trang trí phong cách siêu xe Lamborghini

Với việc lắp đặt thêm nhiều chi tiết trang trí, chủ sở hữu 'hô biến' chiếc Honda Civic trở thành siêu xe Lamborghini Huracan.

Hypercar biểu tượng đẳng cấp và quyền lực của giới siêu giàu

Với những người có khả năng chi trả mức giá trên 2 triệu bảng Anh cho một chiếc xe, việc sở hữu một phiên bản giới hạn không chỉ là việc đổi mới về mặt xe hơi, mà còn là việc trở thành một phần của cộng đồng "tinh hoa" trong thế giới xe hơi.

Siêu xe Pagani Utopia đầu tiên được bàn giao cho khách hàng

Siêu xe Pagani Utopia đầu tiên đã được bàn giao cho một khách hàng tại Monaco sau hơn 1 năm kể từ ngày ra mắt.

Nhiều siêu xe của đại gia Việt trở thành hàng hiếm khi Aston Martin khai tử mẫu DBX

Aston Martin chính thức dừng sản xuất mẫu DBX tiêu chuẩn để tập trung vào mẫu DBX707 vốn được các đại gia ưa chuộng hơn, trong đó có ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang sở hữu tới 2 chiếc.

Có thể bạn quan tâm

  • 400 triệu đồng biến Range Rover 2012 thành xe hạng sang trị giá 16 tỷ
    400 triệu đồng biến Range Rover 2012 thành xe hạng sang trị giá 16 tỷ
    Việc nâng cấp và cá nhân hóa xe ngày càng trở nên phổ biến. Một ví dụ điển hình là chủ xe tại Hà Nội, yêu thích kiểu dáng của Range Rover 2024 nhưng không muốn từ bỏ chiếc xe 2012 quen thuộc của mình. Vì vậy, anh đã quyết định đầu tư 400 triệu đồng để độ lại chiếc Range Rover 2012, mang đến diện mạo hiện đại và sang trọng tương tự mẫu xe đời mới nhất.
  • FordPass chìa khóa vạn năng mới cho chủ sở hữu xe Ford hiện đại
    FordPass chìa khóa vạn năng mới cho chủ sở hữu xe Ford hiện đại
    FordPass đã mang đến một bước tiến vượt bậc trong việc kết nối và điều khiển từ xa các chức năng chính của dòng xe Ranger và Everest. Với FordPass, người dùng có thể dễ dàng và thuận tiện điều khiển xe từ xa, từ việc khóa/mở cửa, kiểm tra mức nhiên liệu, đến theo dõi tình trạng xe và định vị vị trí. Công nghệ này không chỉ nâng cao trải nghiệm lái xe mà còn mang lại sự an tâm và tiện ích tối đa cho chủ sở hữu xe Ford.
  • McLaren 750S của đại gia mảng blockchain Đỗ Dũng, tiền biển số đắt hơn xe BMW 320i
    McLaren 750S của đại gia mảng blockchain Đỗ Dũng, tiền biển số đắt hơn xe BMW 320i
    Chiếc McLaren 750S đầu tiên tại Việt Nam vừa được 'đeo' biển trắng của đại gia mảng Blockchain - Đỗ Dũng, riêng tiền biển số quy đổi đã hơn giá một chiếc BMW 320i.
  • Lamborghini Aventador Liberty Walk độ gần 3 tỷ tái xuất tại TP.HCM
    Lamborghini Aventador Liberty Walk độ gần 3 tỷ tái xuất tại TP.HCM
    Mẫu siêu xe Lamborghini Aventador LP 700-4 với gói độ thân rộng Liberty Walk vừa xuất hiện tại trung tâm TP.HCM.
  • Bảng xếp hạng 10 siêu xe đắt nhất: Rolls-Royce với mức giá kỷ lục 764 tỷ đồng
    Bảng xếp hạng 10 siêu xe đắt nhất: Rolls-Royce với mức giá kỷ lục 764 tỷ đồng
    Rolls-Royce Droptail là một trong những kiệt tác đắt giá nhất trong danh sách của oto365. Với mức giá lên tới 30 triệu USD (tương đương 764 tỷ đồng), Droptail không chỉ là biểu tượng của sự sang trọng mà còn thể hiện đẳng cấp vượt trội của Rolls-Royce. Đặc biệt, chỉ có 4 chiếc Droptail được sản xuất trên toàn thế giới, làm tăng thêm sự quý hiếm và giá trị của siêu phẩm này.