Doanh số ô tô 2023 thấp hơn giai đoạn đại dịch
Trong văn bản gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam về việc đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH năm 2024, văn phòng đại diện tại Chu Lai của Công ty CP tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, năm 2023, hiện trạng kinh tế khó khăn đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm nói chung.
Doanh số thị trường ô tô năm 2023 dự kiến thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Trong đó, thị trường ô tô đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, dự kiến doanh số năm 2023 đạt 330.026 xe (gồm VAMA và TC Motor), giảm 24% so với năm 2022. Thậm chí thấp hơn so với giai đoạn dịch năm 2020, 2021.
VP đại diện tại Chu Lai của Thaco cũng cho biết, nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới và trong nước có thể tiếp tục đà suy thoái, khó có khả năng phục hồi trong năm 2024 và 2025.
"Kinh tế trong và ngoài nước đã trải qua khó khăn nhiều năm liên tục và dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà suy thoái trong những năm tới, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói riêng đã phải gồng mình chống đỡ trong những năm qua đến nay hầu như đã cạn kiệt nguồn lực, đặc biệt về nguồn lực tài chính, thể hiện qua lượng tồn kho vật tư linh kiện và xe thành phẩm tăng cao.
Bước sang năm 2024, nếu không có các chính sách kích cầu mua sắm từ cơ quan Trung ương và địa phương, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh hàng loạt chi phí như: chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa/ bảo dưỡng xe lưu kho khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh", văn bản đề xuất nêu.
Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng thông tin, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay. Thu ngân sách giảm hơn so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do thu từ ô tô Trường Hải chỉ đạt 92,3% dự toán, bằng 68,3% cùng kỳ và thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 83,1% dự toán, bằng 73,2% cùng kỳ. Thu từ ô tô Trường Hải và thu tiền sử dụng đất là hai nguồn thu lớn, chiếm tỷ trọng hơn 68% tổng thu nội địa của tỉnh.
Ô tô lắp ráp tiếp tục được đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ.
Tiếp tục đề xuất giảm lệ phí trước bạ
Văn bản đề xuất cũng chỉ ra, từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đều bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ và các Bộ ngành đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá như ba lần giảm lệ phí trước bạ trong các năm 2020, 2021 và 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; Giảm sản lượng tối thiểu tại chương trình ưu đãi thuế, thúc đẩy phục hồi và đưa ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn.
Điều này đã kịp thời hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thaco thống kê, doanh số bán hàng 6 tháng cuối năm 2023 dự kiến tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ.
Từ đó, văn phòng đại diện tại Chu Lai của Thaco cho biết, việc Chính phủ sớm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ là phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 9/11/2023, theo đó Chính phủ và các cơ quan liên quan "nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ".
Thaco đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ gồm giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp; Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.
"Trước dự báo tình hình KT-XH năm 2024 tiếp tục vẫn còn khó khăn, để các chính sách mới thực sự phát huy hết hiệu quả, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do vậy các chính sách cần sớm được ban hành áp dụng từ quý I/2024", văn bản nêu thêm.
Liên quan đến các đề xuất kể trên của Thaco, ngày 2/1, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu. Đồng thời rà soát, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ theo đúng quy định.
Ngày 3/1, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam trong công văn gửi UBND tỉnh về việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động SXKD của doanh nghiệp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước cũng có các đề xuất như trên.